Thị trường chứng khoán hồi phục mạnh kể từ tháng 4 đến nay và trong đó rất nhiều cổ phiếu đã vượt qua mức giá trước Tết âm lịch (thời điểm thị trường chung bắt đầu chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19).
Kể từ thời điểm trước và sau Tết âm lịch 2020 (22/1) đến nay, thị trường chứng khoán VIệt Nam đã trải qua biến động rất mạnh. Ngay sau Tết, do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, thị trường chứng khoán đã lao dốc mạnh từ mức 991,46 điểm xuống còn 662,26 điểm (30/3), tương ứng mức giảm 329 điểm (-33%). Tuy nhiên, trước việc Việt Nam khống chế dịch bệnh tốt đã giúp dòng tiền ồ ạt quay trở lại bắt đáy. Thị trường chứng khoán từ thời điểm đầu tháng 4 đến nay đã có sự hồi phục rất tốt, chỉ số chính VN-Index cũng tăng trở lại 25% từ mức đáy kể trên và vượt qua mốc quan trọng 800 điểm.
Rất nhiều cổ phiếu giảm sâu do ảnh hưởng của thị trường chung trước cú sốc mang tên “Covid-19”, nhưng sau đà hồi phục thời gian gần đây cũng đã xuất hiện một số cổ phiếu thậm chí còn vượt qua cả mức giá thời điểm trước Tết âm lịch (trước khi dịch bệnh ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam).
Riêng trong nhóm cổ phiếu bất động sản, các cái tên đã vượt qua cả mức giá trước thời điểm Tết âm lịch sau quãng thời gian giảm sốc do ảnh hưởng từ dịch bệnh là ĐT&PT Dầu khí Cửu Long (CCL), Vinaconex – ITC (VCR), KCN Long Hậu (LHG), Sonadezi Châu Đức (SZC), PT Đô thị và KCN Cao su VN (VRG), PT KCN Tín Nghĩa (TIP), KCN Nam Tân Uyên (NTC), SUDICO (SJS) hay Năm Bảy Bảy (NBB)…
Đơn vị: đồng/cp.
Trong đó, cổ phiếu CCL đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/5 đạt 7.300 đồng/cp tương ứng vượt 2,8% so với thời điểm trước Tết âm lịch (22/1) và đã tăng đến 86% so với cuối tháng 3/2020. Đáng chú ý, đà hồi phục của CCL không chỉ đi theo thị trường chung mà còn trùng với làn sóng mua lại cổ phiếu của ban lãnh đạo các công ty, trong đó, ngay từ đầu tháng 4, Ông Nguyễn Triệu Dõng – Chủ tịch HĐQT đã đăng ký mua vào 2,14 triệu cổ phiếu tương ứng tỷ lệ hơn 4,5% vốn của doanh nghiệp này.
Diễn biến giá cổ phiếu CCL từ phiên 22/1 đến nay. Nguồn: VNDS.
Cổ phiếu VCR cũng gây được sự chú ý khi đã tăng đến 26,4% so với thời điểm trước dịch Covid-19 tác động. Giá cổ phiếu VCR cũng tăng đến 55% so với đầu tháng 4. Cổ phiếu VCR đi lên bất chấp việc bị hủy niêm yết từ ngày 5/5 do thua lỗ 3 năm liên tiếp (2017,2018 và 2019). Cổ phiếu này mới chỉ lên đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM vào 12/5 nhưng đến này, VCR đã có 4 phiên tăng liên tiếp trong đó có 2 phiên tăng kịch trần.
Diễn biến giá cổ phiếu VCR từ phiên 22/1 đến nay. Nguồn: VNDS.
Tiếp đến là cổ phiếu LHG với mức tăng 11% so với trước dịch Covi-19. Cổ phiếu này cũng tăng 48% so với đầu tháng 4. Việc cổ phiếu LHG tăng giá rất mạnh thời gian gần đây do trùng với thời điểm thị trường chung hồi phục cùng với những câu chuyện riêng của ngành bất động sản khu công nghiệp. Theo đó, trong khi rất nhiều ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và khó khăn để hồi phục thì bất động sản khu công nghiệp lại được cho rằng sẽ phục hồi nhanh hơn so với các ngành khác nhờ vào sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và các hiệp định thương mại tự do sắp tới của Việt Nam.
Kết quả kinh doanh quý I của LHG cũng khá tích cực khi báo lãi sau thuế 63,1 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 15% so với lợi nhuận đạt được quý I năm ngoái.
Diễn biến giá cổ phiếu LHG từ phiên 22/1 đến nay. Nguồn: VNDS.
Tương tự, trong danh sách các cổ phiếu có thị giá vượt qua “cú sốc” còn có nhiều mã bất động sản khu công nghiệp. Cổ phiếu SZC cũng vượt đến 12,5% so với ngày 22/1. Quý I/2020, trong khi rất nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và báo tăng trưởng âm, thậm chí thua lỗ thì SZC lại lãi ròng 53,7 tỷ đồng tăng 190% so với quý I/2019.
Tuấn Hào