Nhiều yếu tố cho thấy lãi suất có thể đã hạ xuống mức “sàn” và do đó, thiết lập trạng thái “bình thường mới” trong ngành ngân hàng.
Trên trạng thái “bình thường mới” này, các ngân hàng sẽ lựa chọn phương án phát triển nào cho phù hợp?
Ngành ngân hàng đang thiết lập trạng thái “bình thường mới” (Ảnh minh họa)
Ngày 13/5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định hạ một loạt lãi suất điều hành. Đây là đợt hạ lãi suất thứ hai từ đầu năm đến nay, nhằm hỗ trợ nền kinh tế hồi phục trong và sau đại dịch Covid-19.
Theo đó, lãi suất tái cấp vốn hạ từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm xuống 3,0%/năm; lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở cũng được hạ từ 3,5%/năm xuống 3,0%/năm…
Đặc biệt, lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng đối với các ngân hàng thương mại hạ từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm.
Cùng với đó, mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN hạ từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.
Có dấu hiệu cho thấy lãi suất hiện đã hạ tới mức “sàn” bởi nếu hạ tiếp lãi suất huy động dưới 6 tháng (hiện là 4,25%) thì rất có thể sẽ xảy ra tình trạng lãi suất thực âm do lạm phát dự báo ở mức khoảng gần 4%. Trong khi đó, các khoản huy động dưới 6 tháng chiếm tỷ trọng rất lớn, ước tính chiếm hơn nửa tổng tiền gửi khách hàng toàn hệ thống.
Lãi suất thực âm sẽ tạo điểm đảo chiều về dòng vốn, kích thích việc tái phân bổ lại tiền nhàn rỗi theo hướng giảm tỷ trọng tiền gửi ngân hàng, tăng tỷ trọng đầu tư vào chứng khoán, vàng, USD chợ đen, hệ quả là tăng tình trạng đô la hóa, vàng hóa và gây áp lực lên tỷ giá…
Nếu không hạ lãi suất huy động, chỉ hạ lãi suất cho vay thì NIM (chỉ số phản ánh mức độ hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất giữa hoạt động huy động và hoạt động đầu tư tín dụng) sẽ giảm mạnh, kéo theo đó là sự suy giảm lợi nhuận đáng kể, trong khi vốn dĩ các ngân hàng thương mại hiện nay đã hy sinh đáng kể lợi nhuận để giảm lãi suất, hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh nguồn thu bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19.
Lợi nhuận cũng rất quan trọng với ngân hàng vì đó là nguồn tích lũy để nâng cao mức độ an toàn vốn, là tiền đề cho sự phát triển liên tục và bền vững. Do đó, nếu NIM giảm quá mạnh thì buộc các ngân hàng phải chuyển hướng sang các khoản cho vay ưa rủi ro hơn, thậm chí hạ chuẩn cho vay để bù đắp lợi nhuận hụt đi do hạ lãi suất.
Ngay kể cả khi đồng loạt hạ lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng và lãi suất cho vay thì NIM vẫn giảm bởi lãi suất huy động thường sẽ hạ ít hơn lãi suất cho vay do vẫn phải giữ lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng trở lên ở mức tương đối cao so với mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng để giữ chân khách hàng và đảm bảo nguồn vốn.
Nếu tình hình khó khăn, một số ngân hàng có thể phải tăng lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng trở lên nếu như việc hạ trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng của Ngân hàng Nhà nước khiến lượng lớn dòng tiền rời khỏi ngân hàng.
Trong khi đó, việc giảm lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu… chỉ hỗ trợ được ngân hàng với quy mô hạn chế, bởi chủ yếu nguồn vốn của ngân hàng vẫn là huy động của người dân và doanh nghiệp.
Tựu trung, nhiều yếu tố cho thấy lãi suất có thể đã hạ xuống mức “sàn” và do đó, thiết lập trạng thái “bình thường mới” trong ngành ngân hàng.
Trên trạng thái “bình thường mới” này, các ngân hàng sẽ lựa chọn phương án phát triển nào cho phù hợp?
Lợi nhuận ngân hàng chịu tác động mạnh từ các đợt hạ lãi suất bắt buộc
Nhìn chung ban đầu, các ngân hàng có thể vẫn thận trọng trong cho vay nhưng về lâu dài, xu hướng chấp nhận thêm rủi ro để gia tăng biên lợi nhuận là hiện hữu. Tăng cường cho vay cá nhân, cho vay kỳ hạn dài, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, cho vay tín chấp qua kênh tài chính tiêu dùng… là những hướng đi khả dĩ cho các ngân hàng.
Một số ngân hàng có nền tảng tài chính tiêu dùng như VPBank với FE Credit, HDBank với HD Saison, MB với MCredit… có khả năng sẽ sớm đẩy mạnh cho vay sau khi tái cân đối nguồn dự phòng để đối phó với ảnh hưởng bởi Covid-19.
Các khoản cho vay tín chấp qua kênh này đặc biệt phù hợp để phát triển trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang trong tình trạng khó khăn, nhiều doanh nghiệp, cá nhân không vay được ngân hàng do không đáp ứng chuẩn về thu nhập hay dòng tiền do các ngân hàng thận trọng hơn trong cho vay và bản thân doanh nghiệp, cá nhân cũng đang gặp khó khăn nhất định.
Không đáp ứng được chuẩn mực của ngân hàng, việc tiếp cận các khoản vay dưới chuẩn tại các công ty tài chính sẽ trở thành “cứu cánh” và an toàn hơn các khoản tín dụng đen. Trên khía cạnh chính sách, việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho kênh này cũng cần được cân nhắc, bởi hạn mức tín dụng tiêu dùng càng thấp càng tạo điều kiện cho tín dụng đen hoành hành.
Một số ngân hàng khác sẽ lựa chọn gia tăng tỷ trọng cho vay trung và dài hạn để hưởng biên lợi nhuận cao hơn, đặc biệt là các khoản cho vay mua nhà và mua ô tô – vốn đang trên đà tăng trưởng rất mạnh trong một vài năm trở lại đây.
Hướng đi này được “ủng hộ” bởi việc Ngân hàng Nhà nước hạ trần lãi suất kỳ hạn ngắn sẽ khiến dòng tiền đáng kể chảy sang kỳ hạn dài, vô tình khiến tỷ trọng huy động vốn trung và dài hạn tăng lên, tỷ trọng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn cũng giảm và do đó, tạo điều kiện cho các ngân hàng gia tăng tỷ trọng cho vay trung và dài hạn.
Ngoài ra, kênh trái phiếu doanh nghiệp vốn đã tạo sức hút lớn đối với các ngân hàng thương mại trong một vài năm gần đây, nay lại càng hấp dẫn hơn bởi nguồn vốn đang có xu hướng bị “ứ” lại do chuẩn cho vay bị “thắt” để đảm bảo an toàn, trong khi nhiều doanh nghiệp tốt thì không có kế hoạch đầu tư mở rộng kinh doanh trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Tựu trung, cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp, cá nhân đều có xu hướng phòng thủ. Số liệu đến trung tuần tháng 5/2020 cho thấy điều này khi tăng trưởng tín dụng chỉ vỏn vẹn 1,2%.
Kênh trái phiếu doanh nghiệp vừa giúp ngân hàng giải quyết nguồn vốn bị “ứ” lại này, vừa giúp gia tăng biên lợi nhuận trong bối cảnh NIM suy giảm do lãi suất liên tục phải giảm.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng đã bị điều chỉnh mạnh trong thời gian vừa qua để phù hợp hơn với trạng thái “bình thường mới”, khi mặt bằng nguồn thu cũng như triển vọng tăng trưởng kém khả quan hơn nhiều so với thời gian trước dịch.
Không ai có thể khẳng định được mức định giá hiện tại đối với cổ phiếu ngân hàng đã là “đáy” hay chưa. Tuy nhiên, có thể nhận thấy rằng điểm đảo chiều về định giá đang đến gần hoặc thậm chí đã qua, các ngân hàng đang bắt đầu thích nghi với trạng thái “bình thường mới” và qua đó, trong tương lai gần, tỷ suất lợi nhuận sẽ dần được cải thiện, mặt bằng định giá cũng có thể dần được kéo lên theo.
Dù vậy, cũng cần lưu ý rằng, trong tình huống cực đoan, lãi suất vẫn có thể hạ thấp hơn nữa nhưng nhiều khả năng diễn biến này chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, rất tạm thời. Bên cạnh đó, sau dịch, áp lực lạm phát, đặc biệt khi giá dầu thô tăng mạnh trở lại, có thể đẩy lãi suất trở lại các nấc cũ và do đó, lại thiết lập một trạng thái “bình thường mới” – thời kỳ cũng không dễ dàng cho các ngân hàng bởi lạm phát luôn là biến số ảnh hưởng bậc nhất đến nền kinh tế.
Theo Minh Tâm/Vietnam Finance