Trước nhu cầu mở rộng sản xuất của doanh nghiệp trong nước và FDI, các nhà phát triển bất động sản công nghiệp đang cấp tốc thu gom quỹ đất để đẩy nhanh nguồn cung mới.
Làn sóng đẩy mạnh các quỹ đất mới có thể kể đến việc trưng dụng đất cao su để tạo lập quỹ đất cho việc triển khai các khu công nghiệp mới do giá cao su tiếp tục xu hướng bất lợi trong một năm trở lại đây. Do đó, các doanh nghiệp thuần cao su nông nghiệp đang tìm hướng đi vào ngành phát triển khu công nghiệp bằng lợi thế là nắm quỹ đất nông nghiệp lớn.
Với diện tích bao phủ lớn ở tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, và Tây Ninh, đất cao su của các tỉnh lân cận TP.HCM đang để mở tiềm năng cho các giao dịch M&A quỹ đất để phát triển khu công nghiệp và có thể chính các doanh nghiệp cao su với quỹ đất lớn tự thích nghi với xu hướng và trở thành chủ đầu tư khu công nghiệp trong thời gian tới.
Tại Nam Tân Uyên, một doanh nghiệp chuyên kinh doanh cho thuê khu công nghiệp tại Bình Dương, đã được Thủ tướng phê duyệt phương án nhận chuyển nhượng 345 ha đất từ Công ty Cao su Phước Hòa để phục vụ mục đích xây dựng khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2. Đây là quỹ đất Cao su Phước Hòa dùng để phát triển cao su nông nghiệp trước đây.
Không chỉ Nam Tân Uyên, tại đại hội cổ đông thường niên 2019, Phước Hòa cho biết sẽ chuyển nhượng 691 ha cho Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam Singapore, liên doanh giữa Becamex IDC và Sembcorp, để triển khai khu công nghiệp VSIP III.
VSIP nhận chuyển nhượng 691 ha đất trồng cây cao su từ Cao su Phước Hòa cho dự án VSIP III. Ảnh: Quỳnh Danh.
Theo đó, Nam Tân Uyên sẽ phải trả 2,5 tỷ đồng/ha đất nhận chuyển nhượng từ cao su Phước Hòa. Đây là mức giá cho loại đất đã được chuyển đổi mục đích sử dụng. Với đất cao su thông thường chưa chuyển đổi, giá trị chuyển nhượng được ước tính rơi vào khoảng 600-700 triệu/ha.
Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai mới đây cũng đã đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai xem xét cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với 18.000/37.000ha đất cao su mà doanh nghiệp này đang quản lý.
Trong đó, tổng công ty chuyển sang phát triển khu, cụm công nghiệp tại địa bàn các huyện Thống Nhất, Long Khánh, Cẩm Mỹ và huyện Long Thành với diện tích 5.000 ha; phần còn lại phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và khu dân cư.
Với tình hình diễn biến giá cao su như hiện nay, cộng với nguồn vốn FDI đổ vào lĩnh vực chế biến chế tạo tăng mạnh, việc các doanh nghiệp thu mua hoặc trưng dụng các quỹ đất nông nghiệp đang được xem là bước đi chiến lược hướng tới mục tiêu phát triển lâu dài cho lĩnh vực bất động sản công nghiệp.
Cùng với xu hướng chuyển đổi đất trồng sang làm khu công nghiệp, trong một năm trở lại đây, thị trường ghi nhận xu hướng thanh lý cây cao su của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh ngày một tăng.
Công ty TNHH Cao su Dầu Tiếng, Công ty TNHH Cao su Phú Riềng, Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh và Công ty TNHH MTV Cao su Đồng Nai đều đấu giá thanh lý số lượng lớn diện tích cây cao su, dao động từ 90 ha đến hơn 300 ha cho mỗi phiên đấu giá.
Những công ty trên đều là công ty thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Trong bản cáo bạch chuyển sàn từ UpCOM sang HoSE trong tháng 3, thống kê từ Công ty chứng khoán ACB cho thấy khoảng 120.235 ha đất cao su đang được quản lý bởi công ty mẹ và các công ty thành viên trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Với lợi thế quỹ đất cao su lớn, tập đoàn vẫn duy trì mục tiêu thanh lý khoảng 10.000 ha một năm để duy trì nguồn cung gỗ, đồng nghĩa một diện tích lớn đất cao su sẽ để mở khả năng phát triển bất động sản khu công nghiệp.
Vì tính chất có thể yêu cầu tới chuyển đổi mục đích sử dụng đất, vấn đề pháp lý được cho sẽ là rào cản lớn nhất trong việc trưng dụng đất cao su, vốn là đất nông nghiệp, để phát triển bất động sản khu công nghiệp cho thuê.
Với 96.500 ha đến từ 335 khu công nghiệp trên cả nước cùng tỷ lệ lấp đầy 75%, bất động sản công nghiệp Việt Nam đạt được hiệu suất cho thuê hấp dẫn.