– Lần thứ 2 từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh một loạt lãi suất điều hành. Như vậy, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm, giúp các DN có điều kiện tiếp cận nguồn vốn giá rẻ.
Lãi suất tiếp tục giảm
Cụ thể, theo Quyết định số 918/QĐ-NHNN, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 5%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm xuống 3%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN với các ngân hàng từ 6%/năm xuống 5,5%/năm. Bên cạnh đó, lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 3,5%/năm xuống 3%/năm.
Tại Quyết định số 919/QĐ-NHNN, lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,5%/năm xuống 0,2%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5,25%/năm xuống 4,75%/năm.
Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh một loạt lãi suất điều hành.
Theo Quyết định số 920/QĐ-NHNN, mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay, để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6%/năm.
Giới chuyên môn cho rằng, đây là lần thứ 2 kể từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước có quyết định giảm cùng lúc nhiều loại lãi suất, nhằm vực dậy nền kinh tế.
Với quyết định này, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ, của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng tiếp tục giảm. Đây là những lãi suất điều hành, giúp các tổ chức tín dụng cần vốn, có thể vay trực tiếp từ Ngân hàng Nhà nước với lãi suất thấp, không phải đi vay từ các ngân hàng khác hay huy động trên thị trường dân cư với lãi suất cao hơn.
Cùng với đó, lãi suất dành cho các khoản tiền gửi ngắn hạn dưới 6 tháng cũng giảm từ 0,3% – 0,5%, sẽ tác động đến mặt bằng lãi suất huy động vốn, giúp các ngân hàng giảm chi phí. Theo tính toán của giới chuyên môn, các ngân hàng thương mại cổ phần sẽ giảm được chi phí huy động lên tới hàng trăm tỷ đồng trong năm 2020. Qua đó, có điều kiện để tiếp tục giảm lãi suất cho vay với khách hàng.
Thúc đẩy tăng trưởng
Khảo sát biểu lãi suất của các ngân hàng thương mại ngày 13/5/2020 cho thấy, lãi suất tiết kiệm không kỳ hạn, đã giảm về mức từ 0,1%- 0,2%/năm và kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng còn 4,25%/năm.
Lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm.
Như vậy, các khoản vay kỳ hạn dưới 6 tháng, sẽ có cơ sở để được giảm lãi suất. Nhiều DN cho biết, với lần giảm lãi suất vào ngày 17/3/2020 vừa qua, đã giúp họ được vay vốn giá rẻ từ 0,5%-2,5%/năm. Tuy nhiên, mức giảm như trên không có nhiều tác động. Chẳng hạn, 1 DN vay 100 tỷ đồng, kỳ hạn dưới 6 tháng, được giảm 2%/năm cũng chỉ giảm được 2 tỷ đồng/năm. Vì vậy, các DN cho rằng cần giảm mạnh lãi suất cho vay hơn nữa. Với lần giảm lãi suất lần này, các DN có thể được vay vốn với lãi suất có thể được giảm thêm từ 0,5%- 1%/năm nữa.
Ngoài ra, lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên giảm, buộc các tổ chức tín dụng phải chấp hành, nhất là với ngành nông nghiệp, vẫn đang có nhu cầu lớn tại thị trường trong nước và xuất khẩu, sẽ giúp giảm chi phí, duy trì sự tăng trưởng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, năm 2020 dự kiến tín dụng sẽ tăng từ 11-14%, với khoảng 900 nghìn đến 1,1 triệu tỷ đồng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Trong khi đó, tính đến hết tháng 4, các tổ chức tín dụng mới cho vay khoảng hơn 100.000 tỷ đồng. Vì vậy, nguồn vốn còn rất dồi dào và lãi vay đang giảm thấp. Cùng với đó, các tổ chức tín dụng cũng đang tiếp tục tái cấu trúc lại các khoản vay, giúp cho nhiều DN gặp khó khăn có thể tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ. Bên cạnh đó, lãi suất giảm, cũng giúp cho các ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.
Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn không hạ tiêu chuẩn cho vay. Những DN không có tài sản đảm bảo hay dự án kém hiệu quả… sẽ khó tiếp cận được vốn vay rẻ. Cùng với đó, lãi suất huy động trên 6 tháng vẫn do các ngân hàng tự quyết định. Hiện mặt bằng lãi suất vẫn duy trì lãi suất từ đầu tháng 5/2020. Chẳng hạn đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất dao động từ 5,3-7,6%/năm, kỳ hạn 12 tháng, lãi suất dao động trong khoảng 6,8-8,3%/năm. Vì vậy, lãi suất cho vay kỳ hạn dài khó giảm mạnh.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim, việc giảm lãi suất cho vay, sẽ tác động tới nền kinh tế, tăng nhu cầu tiêu thụ. Dưới góc độ nào đó, nó sẽ có tác động tích cực để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhất là trong đại dịch Covid-19. Vì vậy, cần phải giữ mặt bằng lãi suất thấp để giúp kinh tế phục hồi.
Trần Thủy