Thay vì là tập đoàn sở hữu nhiều mảng kinh doanh, Thaco dự kiến chuyển tất cả mảng không liên quan ô tô sang pháp nhân mới là Thaco Group.
Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) đã thống nhất trình cổ đông quyết định tái cấu trúc theo hướng chia tách công ty này thành hai phần riêng biệt. Thaco sẽ không vận hành như một tập đoàn sở hữu các mảng kinh doanh riêng như các doanh nghiệp khác mà chuyển các khoản đầu tư không liên quan đến ngành ô tô sang một pháp nhân mới là Công ty Tập đoàn Trường Hải (Thaco Group). Trong khi đó, Thaco ban đầu sẽ tiếp tục giữ lại mảng sản xuất, lắp ráp ô tô.
Trước khi thực hiện phương án chia công ty, Thaco sẽ phát hành cổ phiếu tăng vốn lên hơn 30.500 tỷ đồng. Sau đó, Thaco Group – với mảng kinh doanh nông nghiệp, bất động sản và các mảng khác – sẽ được tách ra với vốn điều lệ 19.324 tỷ đồng, còn Thaco phụ trách mảng ôtô giảm vốn xuống 11.186 tỷ đồng.
Cơ cấu cổ đông của Thaco và Thaco Group sẽ giữ nguyên như trước khi tách công ty. Trong đó, hai cổ đông lớn nhất của Thaco và Thaco Group là gia đình ông Trần Bá Dương (sở hữu hơn 70%) và cổ đông chiến lược JC&C (26,3%).
Đến cuối năm 2019, Thaco có tổng tài sản hợp nhất gần 107.000 tỷ đồng, bao gồm gần 54.000 tỷ tài sản trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp ôtô; 41.300 tỷ trong lĩnh vực bất động sản và gần 11.700 tỷ đồng trong lĩnh vực nông nghiệp. Nếu chia tách, quy mô tài sản của Thaco và Thaco Group sẽ tương đương nhau.
Tuy nhiên, nếu xét về hiệu suất kinh doanh, hai doanh nghiệp cùng tên Thaco sẽ có sự chênh lệch lớn. Dù đầu tư mạnh vào nhiều lĩnh vực, song mảng sản xuất – lắp ráp vẫn chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận. Năm 2019, mảng kinh doanh này vẫn tạo ra hơn 52.600 tỷ đồng doanh thu và 10.360 tỷ đồng lợi nhuận, chiếm gần 90% quy mô hợp nhất.
Đầu mối phụ trách mảng bất động sản của Thaco là Công ty Đại Quang Minh (do Thaco giữ 77,5% cổ phần). Công ty này được biết đến chủ yếu với khu đô thị Sala cũng như một số dự án phát triển cơ sở hạ tầng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Năm 2019, Đại Quang Minh chi hơn 5.600 tỷ đồng để mua lại HAGL Land, qua đó sở hữu khu phức hợp HAGL Myanmar tại Yangon, Myanmar.
Với mảng nông nghiệp, Thaco bắt đầu hiện diện rõ từ năm 2018 sau thỏa thuận hợp tác chiến lược cùng Hoàng Anh Gia Lai. Đến cuối năm 2019, công ty có 11 công ty con trực tiếp và gián tiếp hoạt động trong lĩnh vực này. Một số mới thành lập trong năm 2019, còn lại được ghi nhận sau khi công ty hợp tác với Hoàng Anh Gia Lai và Hùng Vương.
Ba thương vụ lớn nhất trong mảng này được Thaco thực hiện năm ngoái là nhận chuyển nhượng gần như toàn bộ vốn góp Công ty Đầu tư và phát triển cao su Đông Dương, Công ty Cao su Trung Nguyên và Công ty Đông Pênh với tổng giá trị ba giao dịch hơn 7.600 tỷ đồng.
Năm 2019 cũng là năm đầu tiên Thaco ghi nhận nguồn thu liên quan đến nông nghiệp hơn 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, mảng này lỗ khoảng 15 tỷ đồng sau khi trừ chi phí.
Đầu năm, Chủ tịch HĐQT Trần Bá Dương cho biết tổng doanh thu giao cho Thadi là 17.000 tỷ đồng. Trong đó, chỉ tiêu xuất khẩu là 150.000 tấn trái cây với doanh thu 2.500 tỷ đồng và bao tiêu cho HAGL Agrico 650.000 tấn với doanh thu 6.000 tỷ đồng.
Công ty cho biết sẽ hoàn thiện về chủng loại; quy hoạch vùng trồng cho cây ăn trái kết hợp nông trại chăn nuôi bò nhằm tạo ra hệ sinh thái sản xuất hữu cơ; hỗ trợ Hùng Vương phát triển lĩnh vực nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản, nuôi heo giống và heo thịt thông qua liên doanh.