UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị Tây Nam TP. Bà Rịa. Dù vậy, vẫn chưa có thông tin về công ty được chấp thuận đầu tư siêu dự án này.
Khu đô thị gần 1.800 ha
Theo quy hoạch được duyệt, Khu đô thị Tây Nam TP. Bà Rịa có tổng diện tích khoảng 1.794,93 ha, quy mô dân số dự kiến khoảng 45.000 người, thuộc địa giới hành chính phường Phước Trung, phường Kim Dinh, phường Long Hương và có phía Đông giáp quốc lộ 51; Phía Tây giáp sông Long Hòa, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ; Phía Nam giáp sông Mũi Giụi, đảo Gò Găng, đảo Long Sơn, TP. Vũng Tàu; Phía Bắc giáp khu dân cư phường Long Hương, Kim Dinh.
Khu đô thị Tây Nam TP. Bà Rịa được quy hoạch phân thành 7 tiểu khu chính. Trong đó, diện tích nghiên cứu khu A1là 274,46 ha, dân số khoảng 5.439 người và khu A2 là 290,75 ha, dân số khoảng 8.549 người.
Hai tiểu khu này có chức năng là các tiểu khu đô thị sinh thái, bao gồm khu vực nhà ở thấp tầng (các công trình ở thấp tầng như nhà ở liền kề, nhà phố thương mại (shophouse), biệt thự với tâng cao trung bình từ 3-5 tâng) kết hợp với thương mại và khu nhà ở hỗn hợp cao tầng, bến thuyền; các công trình công cộng, cây xanh được bô trí đan xen trong các khu ở tạo nên những khoảng đóng mở không gian đô thị.
Phối cảnh Khu đô thị Tây Nam TP. Bà Rịa: Ý tưởng của Tập đoàn Novaland
Tiểu khu B có tổng diện tích 276,03 ha, dân số khoảng 9.260 người. Là khu vực bao gồm trung tâm y tế, trường cấp 3, xen lẫn các khu biệt thự thấp tầng ven sông, khu cây xanh. Tạo không gian lan tỏa, thấp dần từ trung tâm khu vực ra phía bờ sông.
Tiểu khu C có tổng diện tích 225,85 ha, dân số khoảng 7.145 người. Là trung tâm hành chính, thương mại của toàn khu đô thị.
Đối với, tiểu khu D có tổng diện tích 172,4 ha, dân số khoảng 5.315 người và khu E là 521,73 ha, dân số khoảng 9.292 người.
Hai khu này là các tiểu khu đô thị sinh thái bao gồm các biệt thự nghỉ dưỡng thâp tâng xen lân rừng ngập mặn, tạo không gian thiên nhiên cho khu vực. Các công trình tiện ích khu ở với quy mô nhỏ và vừa với giải pháp thiết kế không gian mở kết họp bố trí hài hòa cảnh quan sân vườn ngoài nhà trở thành một phân trong câu trúc cảnh quan khu vực, đóng vai trò là vùng không gian cảnh quan xanh của khu đô thị.
Cuối cùng là tiểu khu F có tổng diện tích: 33,72 ha, không bố trí nhà ở. Là khu vực bên cạnh đường quốc lộ 51, nơi hạn chế sự phát trien đô thị tràn lan. Các chức năng được bố trí chủ là cây xanh cách ly, nhằm tạo ra một vùng đệm đem lại sự yên tĩnh cho khu vực đô thị phía trong.
Bên cạnh đó, về quy hoạch giao thông trong Khu đô thị Tây Nam TP. Bà Rịa sẽ có 3 tuyến đường lớn đối ngoại gồm:
Đường bộ, theo quy hoạch chung khu vực dự án có tuyến đường tránh QL 51 (đường N6- đường vành đai phía nam) đi qua khu vực quy hoạch có chiều dài khoảng 4,3 km (mc 1-1). Tuyến đường có mặt cắt ngang rộng 102 m, bao gồm bề rộng đường theo quy hoạch chung 68 m và bố trí đường gom hai bên mỗi bên rộng 17 m.
Tuyến đường tránh rộng 68 m, bao gồm lòng đường chính giữa mỗi bên 12 m, lòng đường dành cho xe cơ giới 2 bên 10 m; hè đường mỗi bên 9 m; dải phân cách giữa: gồm 3 dải phân cách rộng 2 m. Đường gom rộng 17 m bao gồm lòng đường rộng 7 m, hè đường phía dân cư rộng rộng 5 m, hè đường phía tuyến đường tránh rộng 3 m và dải cây xanh cách ly rộng 2 m.
Đường sắt, theo quy hoạch chung khu vực quy hoạch có tuyến đường sắt đô thị có hướng tuyến từ TP Hồ Chí Minh- Biên Hòa- Vũng Tàu chạy qua với tổng chiều dài khoảng 6,5 km. Dự án khả thi xây dựng tuyến đường sắt này đã được Bộ giao thông vận tải lập trong đó xác định: Tuyến đường sắt khổ 1.435 mm; Tốc độ thiết kế 110 – 120 km/h. Xây dựng các ga hành khách tại Phú Mỹ, Bà Rịa và TP Vũng Tàu, ngoài ra còn có các tuyến nhánh rẽ vào các khu công nghiệp, khu cảng và các ga chuyên dụng.
Đường thủy sẽ là khu vực quy hoạch có 3 luồng giao thông đường thủy trên các tuyến sông chính đó là sông Bà Tìm, sông Long Hòa và sông Mũi Giụi. Các cầu vượt sông tại các vị trí có hệ thống đường thủy nội địa đảm bảo chiều cao thông thuyền 7,0 m đối với các sông chính và 4,0 m đối với các sông nhánh.
Cũng theo nội dung quy hoạch, trong giai đoạn từ năm 2020 – 2035, đồ án sẽ ưu tiên đầu tư hệ thống hạ tầng phân khu vực kết nối các tiểu khu với nhau và với đô thị, hoàn chỉnh các công trình hạ tầng kĩ thuật khung; triển khai xây dựng các tiểu khu ở, các công trình công cộng thiết yếu trong tiểu khu ở, các dự án nhà ở, các dự án công cộng đơn vị ở, công viên, cây xanh, các công trình công cộng cấp đô thị (do Nhà nước đầu tư hoặc kêu gọi xã hội hóa đầu tư).
Dự kiến đến năm 2035 – 2040, sẽ đầu tư hoàn chỉnh dự án Khu đô thị Tây Nam TP. Bà Rịa.
Nhiều ông lớn bất động sản muốn đầu tư
Khu đô thị Tây Nam TP Bà Rịa còn nằm trong danh sách 18 dự án mà tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu kêu gọi đầu tư hồi đầu năm 2019. Dự án này từng được nhiều ông lớn trong ngành bất động sản đề xuất được đầu tư, với những cái tên quen thuộc như: Novaland; FLC; Hải Phát Invest; VID Group…
Vào tháng 10/2018, thông tin Tập đoàn Novaland được tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chấp thuận khảo sát thực địa khu đất, tổ chức nghiên cứu đề xuất dự án khu đô thị sinh thái Tây Nam TP. Bà Rịa qua 2 Công văn số 3910-CV/TU và số 3679/UBND-VP được công bố rộng rãi.
Phía Novaland lúc đó cũng đã lên phương án quy hoạch dự án và dự kiến báo cáo Thường trực Ủy ban vào tháng 11 hoặc tháng 12/2018.
Theo phương án quy hoạch được Novaland tiết lộ, khu đô thị sinh thái Tây Nam là một đại đô thị dự kiến có quy mô diện tích lên tới 1.800ha nằm mặt tiền Quốc lộ 51, thuộc phường Long Hương, TP. Bà Rịa. Lợi thế của khu vực này là có diện tích mặt nước tự nhiên lên tới 400ha, kết hợp với sông Long Hòa và sông Dinh.
Một ông lớn khác cũng muốn tham gia vào dự án là Tập đoàn FLC khi có buổi báo cáo ý tưởng quy hoạch khu đô thị trên với Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Quốc vào hồi tháng 5/2019.
Theo ý tưởng quy hoạch của FLC, quy mô thực hiện dự án khoảng 1.700ha, trong đó đất đô thị gồm: đất công cộng, đất giáo dục, đất thương mại dịch vụ, đất ở kết hợp thương mại, đất ở, đất cây xanh – không gian mở, đất giao thông chiếm tỷ lệ 82,6% và đất ở ngoài đô thị chiếm tỷ lệ 17,36%. Dân số dự kiến khoảng 70.000 – 90.000 người.
Đến tháng 6/2019, CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest) cũng đã báo cáo ý tưởng thiết kế quy hoạch tổng thể dự án này với Thường trực UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ý tường này sau đó đã được Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trình ủng và đề nghị chủ đầu tư cần nghiên cứu kỹ mật độ xây dựng, giao thông kết nối, quy mô dân số; đồng thời lưu ý mực nước thủy triều lên xuống để đưa ra phương án thiết kế hoàn thiện, phù hợp với kêu gọi đầu tư của tỉnh.
Tiếp đó, vào thời điểm cuối năm 2019, dư luận lại xôn xao trước thông tin CTCP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Việt Nam (VN Hodlings Group) có văn bản gửi UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xin chấp thuận chủ trương cho nghiên cứu, khảo sát lập đề xuất dự án đầu tư khu đô thị sinh thái Tây Nam tại phường Long Hương và phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 148.800 tỷ đồng (trong đó vốn chủ sở hữu 23.000 tỷ đồng).
Và động thái gần đây nhất liên quan đến dự án nói trên là vào giữa tháng 2/2020, khi Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đưa ra 2 phương án đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Tây Nam TP. Bà Rịa với việc giữ nguyên dự án và chỉ chọn 1 nhà đầu tư hoặc phương án chia dự án làm 2 và cho 2 nhà đầu tư khác nhau đầu tư.
Tuy nhiên sau đó, UBND tỉnh đã quyết định chọn phương án giữ nguyên dự án và chỉ chọn 1 nhà đầu tư để đảm bảo tính đồng bộ. Và như theo quy hoạch 1/2000, hiện vẫn chưa có nhà đầu tư nào được chấp thuận đầu tư siêu dự án này.