TP.HCM quy tụ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng lớn trên cả nước, nhưng dịch Covid-19 đã khiến lĩnh vực này không còn hấp dẫn.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết trong quý 1, có 6 doanh nghiệp (DN) tại TP.HCM hoàn trả giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ do không có nhu cầu sản xuất, nâng lên 75 DN trả giấy chứng nhận từ năm 2012 đến nay.
Thương vụ Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI thâu tóm Công ty Thế giới Kim Cương (văn phòng tại TP.HCM) gần đây khá bất ngờ trên thị trường trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Công ty Thế giới Kim Cương là một trong những đơn vị bán lẻ lớn trên thị trường trang sức Việt Nam, với 34 chi nhánh quản lý chuỗi bán lẻ trên 100 cửa hàng, trung tâm tại các tỉnh thành lớn. Doanh thu của công ty cũng lên đến hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm. Điều này cho thấy, dịch Covid-19 ảnh hưởng khá nặng nề đến ngành trang sức, kim hoàn Việt Nam. Thương vụ sáp nhập này không phải lần đầu tiên Doji thực hiện, trước đó (năm 2006 – 2007), Doji mua và chiếm cổ phần chi phối Công ty SJC Hà Nội và SJC Đà Nẵng.
Trong 8 năm qua, số lượng giấy phép cấp cho DN đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là 555 đơn vị, trong quý 1/2020 có 4 DN được cấp giấy chứng nhận. Hiện tại, TP.HCM đang có 480 đơn vị đang hoạt động.
Tương tự, trên địa bàn TP.HCM có 837 điểm được cấp phép giao dịch mua bán vàng miếng thuộc 20 tổ chức tín dụng và 12 DN. Thêm vào đó, 4 DN được tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm cho hạn ngạch năm 2020 gồm Công ty TNHH XNK Huỳnh Thái, Công ty cổ phần quốc tế Hoàn Thiện, Công ty TNHH vàng bạc đá quý Kim Hoàng Phát và Công ty TNHH nữ trang Danish.
Hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Để có được giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, DN phải chứng minh được nơi sản xuất, giấy tờ địa điểm kinh doanh (hợp đồng thuê, nếu là nhà của cha mẹ phải có giấy ủy quyền), giấy đảm bảo môi trường sản xuất, phòng cháy chữa cháy… Số lượng 480 DN được cấp giấy phép sản xuất khá khiêm tốn so với số lượng các DN đang hoạt động trên địa bàn hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Kim mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM, cho biết các thành viên của hội trên địa bàn hiện nay khoảng 1.700 hội viên. Trong đó có khoảng 800 cơ sở sản xuất, gia công, còn lại là các đơn vị dịch vụ, buôn bán.
Từ sau tết đến nay, gần như các DN, hộ kinh doanh, tiệm vàng ngưng hoạt động để chống dịch, một số đơn vị vừa trở lại hoạt động khoảng 1 tuần gần đây nhưng buôn bán khá ế ẩm. Lý giải việc DN trả giấy phép đủ điều kiện sản xuất trang sức, mỹ nghệ, ông Nguyễn Văn Dưng cho rằng đơn giản là do không sản xuất được thì trả giấy phép chứ DN không hoạt động, không có doanh số lấy gì mà báo cáo cơ quan chức năng, báo cáo Ngân hàng Nhà nước.
“Hoạt động sản xuất trang sức, mỹ nghệ là ngành nghề có điều kiện nên cơ quan chức năng thường kiểm tra định kỳ. Các DN mở tiệm vàng xin giấy phép phòng hờ việc kiểm tra của cơ quan chức năng vì chỉ cần có thợ gia công tại tiệm mà không có giấy phép cũng sẽ bị xử lý. Còn hiện nay, thị trường vàng ế ẩm, nhiều tiệm vàng phải ngưng hoạt động nên việc trả giấy phép cũng là chuyện dễ hiểu”, ông Dưng nói.
Ghi nhận thị trường kinh doanh vàng sau dịch Covid-19, các tiệm vàng vẫn chưa trở lại hoạt động bình thường. Khu vực Q.5 (TP.HCM) là nơi quy tụ nhiều DN, tiệm vàng trên địa bàn TP.HCM cũng ảm đạm và ế ẩm. Còn nhớ vào năm 2017, phố vàng, bạc đi vào hoạt động trên trục đường Nghĩa Thục, Nhiêu Tâm, Bùi Hữu Nghĩa với sự tham gia của khoảng 50 DN vàng bạc đá quý là sự kiện có nhiều ý nghĩa, dù mục đích thành lập tuyến phố này được chính quyền địa phương xác định nhằm tôn vinh nghề kim hoàn ở Sài Gòn – Chợ Lớn, cũng như quy hoạch nơi đây trở thành một địa điểm phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế. Khách đến tham quan một số điểm tâm linh ở khu vực này như chùa Vạn Phật, Hội quán Lệ Châu (nơi thờ ông tổ nghề thợ bạc tại TP.HCM)… Các đơn vị kinh doanh tại đây chủ yếu buôn bán vàng, bạc sỉ đi các tỉnh thành nhưng cũng bán lẻ nên khách hàng đến đây khá nhộn nhịp.
Dù chỉ vừa mới lên sàn, nhưng quý 1/2019, Công ty cổ phần vàng Lào Cai đã báo lỗ. Cụ thể, doanh thu thuần của công ty đạt 11,2 tỉ đồng, giảm đến 90% so với cùng kỳ năm trước. Sau thuế, Vàng Lào Cai lỗ đến hơn 2 tỉ đồng, trong khi quý 1/2018 lợi nhuận của công ty đạt hơn 17 tỉ. Thời điểm ngày 31.3.2019, tổng tài sản của công ty đạt 72,8 tỉ đồng, giảm 25% so với đầu kỳ. Trong đó, tài sản ngắn hạn chỉ chiếm 2%, chủ yếu là hàng tồn kho 1 tỉ đồng. Tài sản dài hạn đạt 71,3 tỉ đồng, bao gồm: tài sản cố định 65,8 tỉ đồng; các khoản phải thu dài hạn 5,1 tỉ đồng. Công ty hiện có 7,7 tỉ đồng nợ phải trả, chiếm đến 10,4% tổng nguồn vốn.
Công ty CP vàng Lào Cai được thành lập vào cuối năm 2007 với vốn điều lệ ban đầu là 45 tỉ đồng do 5 cổ đông sáng lập. Hiện tại, vốn điều lệ của DN đào vàng này đã tăng lên thành 105 tỉ đồng. Công ty cổ phần vàng Lào Cai (GLC) hiện là công ty khai thác vàng duy nhất trên sàn chứng khoán VN.
Thế nhưng, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, khu vực này vắng khách, nhiều cửa hàng đóng cửa. Một khu vực khác trên địa bàn Q.5 thu hút giới kinh doanh vàng nữ trang đó là trước chợ An Đông nhưng các tiệm vàng tại khu vực này cho đến nay vẫn mở cửa thưa thớt, một số cửa hàng vẫn đóng cửa, cài then. Các tiệm vàng kinh doanh quanh khu vực chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM) vẫn không thấy khách mua sắm, tham quan.
Ông Nguyễn Văn Dưng cho biết công ty có 4 cửa hàng thì hiện nay đã giải thể 1, tạm ngưng hoạt động 1 cửa hàng đến cuối năm, 2 cửa hàng còn lại duy trì hoạt động cầm chừng để giữ khách. Chi phí hoạt động cũng phải cắt giảm nhiều như thuê nhân viên từ 10 người 1 cửa hàng còn 5 người vì lương của mỗi người cũng từ 7 – 10 triệu đồng/tháng. Việc giải thể, tạm ngưng hoạt động còn giúp đơn vị không phải đóng thuế. “Vừa qua chúng tôi có hỏi việc hỗ trợ thuế cho đơn vị sản xuất kinh doanh vàng bị ảnh hưởng do Covid-19 nhưng bên cơ quan thuế cho hay không nằm trong đối tượng được hưởng. Do đó, không đóng cửa, tạm ngưng thì tiệm vàng phải đóng thuế”, ông Nguyễn Văn Dưng cho hay.
Thực tế hiện nay, các DN sản xuất kinh doanh trang sức, mỹ nghệ không những “bí” đầu ra mà ngay cả đầu vào cũng gặp khó, không có nguyên liệu sản xuất nên rất khó để duy trì hoạt động. Các DN muốn sản xuất phải “tự bơi” tìm nguồn nguyên liệu nên khó càng khó thêm. Một nguyên nhân khác khiến các tiệm vàng, cơ sở sản xuất trở nên ế ẩm, theo ông Dưng đó là giá vàng tăng giảm thất thường trong những tháng qua và hiện nay đang ở mức cao. Người tiêu dùng không có nhu cầu mua, ngược lại bán vàng ra để trang trải cuộc sống trong mùa dịch khó khăn này.
Ngày 8.5, giá vàng miếng SJC tăng 150.000 đồng/lượng so với ngày 7.5, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC mua vào 47,95 triệu đồng/lượng, bán ra 48,4 – 48,42 triệu đồng/lượng. Vàng nữ trang 4 số 9 có giá mua 46 triệu đồng/lượng, bán ra 46,85 triệu đồng/lượng. Các tiệm vàng Mi Hồng khu vực chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) mua vàng nữ trang 4 số 9 giá 46 triệu đồng/lượng, bán ra 46,5 triệu đồng/lượng… Chính vì thị trường ế ẩm mà giá vàng nữ trang trong nước hiện thấp hơn thế giới 2 – 2,3 triệu đồng/lượng, riêng vàng miếng thấp hơn 400.000 đồng/lượng. Giá vàng thế giới ngày 8.5 tăng 27 USD/ounce, lên 1.723 USD/ounce, tương đương mức giá quy đổi 48,8 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí).
Thanh Xuân