Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương cho rằng Việt Nam có nhiều lợi thế để đón làn sóng dịch chuyển đầu tư. Tuy nhiên, cần chuẩn bị nhiều yếu tố như đất đai, lao động và cả thủ tục…
Giữa dịch Covid-19, nhiều quốc gia đưa ra thông báo khuyến khích các doanh nghiệp dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc, đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Việt Nam nổi lên là một trong số các quốc gia có lợi thế về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Đông Nam Á. Do đó, việc chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón làn sóng đầu tư lúc này là một trong những vấn đề được quan tâm.
Nhân dịp này, Zing đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Trần Quốc Phương, cơ quan quản lý hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Kết thúc dịch sớm là lợi thế
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, hiện tại, các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư có nhiều lý do dịch chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc, trong đó lý do quan trọng là muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Thay vì tập trung sản xuất ở một vài nơi, giờ đây, họ không muốn “dồn trứng vào một giỏ” mà đa dạng hóa các điểm sản xuất.
Nói về lợi thế về thu hút FDI, Việt Nam nằm ở khu vực Đông Nam Á, một trong những khu vực tế phát triển và năng động nhất thế giới hiện nay. Đặc biệt, Việt Nam nằm ngay cửa ngõ của khu vực, có nhiều thuận lợi trong việc xây dựng và phát triển các cảng nước sâu, cũng như giao thương toàn cầu.
Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP ở mức tích cực, các cân đối vĩ mô ổn định, tỷ lệ lạm phát những năm gần đây được kiểm soát tốt.
Dân số Việt Nam trẻ, đến nay đã gần tới cột mốc 100 triệu người. Đây là nguồn lao động dồi dào, trong khi đó, chi phí nhân công cạnh tranh so với các nước có mức thu nhập tương tự và có rất nhiều triển vọng để phát triển một lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng, chất lượng cao.
Việt Nam cũng đã ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với Mỹ, Hàn Quốc, EU, tham gia CPTPP… Đây là cơ hội để các doanh nghiệp đa quốc gia có thể tận dụng để xuất khẩu hàng hóa tới nhiều thị trường lớn.
Nói về lợi thế hiện tại, ông Phương nhắc đến quỹ đất và công tác chống dịch.
Về quỹ đất, Việt Nam vẫn còn khá dồi dào tại các khu công nghiệp trên cả nước. Với 335 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 97.800 ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt khoảng 75%.
Ngoài ra còn có 17 khu kinh tế ven biển đã được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước khoảng hơn 845.000 ha. Diện tích đất đã cho thuê ở các khu chức năng trong khu kinh tế mới đạt trên 40.000 ha, thì năng lực tiếp nhận đầu tư ở khía cạnh đất đai là còn dư địa.
Bên cạnh đó, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác trong cuộc đua đón làn sóng dịch chuyển đầu tư chính là kết thúc sớm dịch Covid-19. Ông nhấn mạnh khi kết thúc được dịch sớm sẽ giữ được ổn định kinh tế vĩ mô và nhiều vấn đề khác.
“Một dự án nào đó mà đang cân nhắc đầu tư vào lúc này, giữa Việt Nam và Indonesia, thì tôi tin nhà đầu tư sẽ chọn Việt Nam vì dịch Covid-19 ở Việt Nam đã được kiểm soát tốt hơn. Tuy nhiên, nếu Indonesia cũng kết thúc dịch sớm như Việt Nam thì khả năng cạnh tranh của Indonesia là rất tốt”, ông Phương nói.
Cần chiến lược rõ ràng để thu hút đầu tư
Ngoài những lợi thế lớn, Thứ trưởng Bộ KHĐT cho rằng Việt Nam phải chuẩn bị rất nhiều yếu tố để có thể thu hút và đón làn sóng dịch chuyển FDI.
“Không có chuyện ngồi yên mà đón được làn sóng dịch chuyển đầu tư, chúng ta phải chuẩn bị rất nhiều thứ”, ông Phương chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Bộ KHĐT, việc đầu tiên là phải có chiến lược rõ ràng. Ông nhắc đến Nghị quyết 50/2019 của Bộ Chính trị về thu hút FDI, trong đó là nêu rõ các định hướng. Việt Nam sẽ ưu tiên, lựa chọn các dự án công nghệ cao, tạo ra giá trị lan tỏa, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng, khuyến khích chuyển giao công nghệ…
Sau đó phải chuẩn bị nguồn lao động, năng lượng, quy hoạch, hạ tầng, thủ tục và cả nguồn đất đai… Theo đó, muốn thu hút những tập đoàn lớn thì có thể phải cần diện tích đất rất lớn. Đảm bảo đủ điện cho hoạt động đầu tư cũng là yếu tố cần tính đến, song song với phù hợp quy hoạch từng ngành.
Vấn đề quan trọng nhất mà ông Phương nhấn mạnh lúc này là cải thiện thủ tục hành chính. Thủ tục đầu tư phải nhanh gọn, minh bạch, không lập lờ, không để doanh nghiệp thất vọng.
“Nhà đầu tư đến mà thấy thủ tục quá lâu thì họ sẽ nản, không những không vào mà còn mãi mãi không quay lại. Đa số thủ tục hành chính đều thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương, rất ít thủ tục phải lên đến tận Chính phủ hay Quốc hội”, ông chia sẻ.
Khi được hỏi nếu Apple hay một doanh nghiệp lớn nào đó muốn dịch chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam, ông Phương cho rằng Chính phủ sẽ hỗ trợ một cách tối đa. Việt Nam cũng hoàn toàn có thể hấp thụ được dòng vốn dịch chuyển.
Tuy nhiên, ông lưu ý cần cải thiện việc nội địa hóa nguyên phụ liệu trong tái cơ cấu ngành công nghiệp. Hiện tại, Việt Nam chủ yếu làm hàng gia công, khi chủ động được nguồn nguyên liệu gốc sẽ tạo ra một bước phát triển tốt hơn. Việt Nam hiện có thể chủ động được nhiều loại nguyên phụ liệu nhưng cần cải thiện chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, Thứ trưởng Phương cũng nhắc đến việc phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước, đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài.