Hàng trăm dự án nhà ở, sản xuất kinh doanh có quỹ đất hỗn hợp bị ngừng triển khai sẽ được giải quyết, tăng nguồn cung nhà ở, nguồn thu ngân sách nếu quy định tại dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 43/2014/NĐ-CP được thông qua.
Theo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai được Bộ TN&MT chủ trì xây dựng, với khoản 13 Điều 1 “Dự thảo Nghị định” sửa đổi, bổ sung Điều 16 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, dự kiến sửa đổi, bổ sung khoản 6 về cơ chế xử lý phần đất do Nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong dự án sản xuất kinh doanh của chủ đầu tư.
Cụ thể, Dự thảo quy định thửa đất có đủ điều kiện tách được thành dự án độc lập thì thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; nếu không đủ điều kiện tách được thành dự án độc lập thì giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư để thực hiện dự án và xác định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê.
Như vậy, chỉ có các thửa đất do Nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong dự án sản xuất kinh doanh mà có đủ điều kiện hình thành dự án độc lập thì mới phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất. Các thửa đất không đủ điều kiện hình thành dự án độc lập thì thực hiện giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư để thực hiện dự án sản xuất kinh doanh.
Theo đánh giá, nếu các quy định này được thông qua thì các vướng mắc đối với các phần đất do Nhà nước quản lý, nằm xen kẽ trong các dự án sản xuất kinh doanh, dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp hiện nay sẽ được giải quyết dứt điểm. Nếu quy định này được thông qua sẽ giúp tái khởi động các dự án này, tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.
Một trong những điển hình chứng minh sự “khốn khổ” của DN khi dự án có đất công xen kẹt, có thể kể đến dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4 (TX Bến Cát, Bình Dương). Năm 2015, Cty CP Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi mua trúng đấu giá dự án này.
Sau khi nhận bàn giao dự án, DN phát hiện có 7.551m2 đất công xen kẹt trong dự án 400 ngàn m2 , nên đã nhiều lần làm đơn đề nghị Bình Dương và được chấp nhận cho hoán đổi diện tích đất khác để được giao hơn 7.500m2 đất này.
Tuy nhiên, sau đó có hai vị khách sau khi ký hợp đồng nguyên tắc với Thuận Lợi, đã xây “chui” hai căn nhà tổng diện tích khoảng 200m2/7.551m2 đất công này, rồi tố Thuận Lợi “lừa bán đất công”. Bình Dương sau đó thu hồi chủ trương cho Thuận Lợi hoán đổi đất, khiến dự án “đứng hình”.
Ông Nguyễn Thuận, TGĐ Cty CP Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi, cho biết: “Trước khi mua dự án, chúng tôi không biết có diện tích đất công này. Thực tế mà nói, hơn 7.500m2 này ngày xưa sâu tới 6-7m, người dân không thể canh tác nổi nên mới còn lại, nhiều năm khó phân định, lại không có đường ra vào, mãi đến năm 2015 UBND Bến Cát mới thống kê đưa vào quỹ đất công do UBND phường Mỹ Phước quản lý. Miếng đất này lại nằm trong ranh dự án, địa thế hiểm hóc nên DN muốn trả lại cũng khó. Có người còn từng nói vui “dù có thu hồi, địa phương cũng khó có thể sử dụng mục đích gì”.
Tuy nhiên, chúng tôi nghiêm túc thực hiện quy định pháp luật. Ngay sau khi phát hiện, chúng tôi làm đơn xin hướng dẫn, đề xuất hoặc xin hoán đổi khu đất khác có vị trí mặt tiền giá trị gấp mấy lần khu đó, hoặc xin trả tiền để Nhà nước giao.
Ròng rã mấy năm mới được tỉnh chấp nhận. Thế nhưng, rồi chỉ vì hai khách hàng đứng ra thưa kiện và mấy trang mạng đưa tin một chiều là chúng tôi bị Bình Dương thu hồi chủ trương đã được duyệt. Công sức DN cực khổ nhiều năm “đổ sông, đổ biển”.
Theo tôi biết, tình trạng đất công xen kẹt là thực tế diễn ra ở các dự án cả nước. Vì vậy, DN rất mong mỏi Chính phủ và các bộ, ngành sớm gỡ vướng tình trạng này, để các dự án được tái khởi động, tránh tình trạng “dậm chân tại chỗ” lãng phí nguồn lực”.
Riêng tại TP HCM, được biết, có 126 dự án sản xuất kinh doanh, dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp hiện nay trên địa bàn TP HCM tất cả các dự án đã có “Quyết định chủ trương đầu tư” và các dự án có quỹ đất hỗn hợp đều bị ách tắc về thủ tục “công nhận chủ đầu tư” và thủ tục “phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500”. Đây là một nguyên nhân chủ yếu làm sụt giảm nguồn cung dự án, sụt giảm nguồn cung sản phẩm nhà ở.