Những nhà đầu tư bắt đáy cuối tháng 3 đã thu về thành quả không nhỏ khi rất nhiều cổ phiếu trên thị trường đã tăng trưởng hàng chục phần trăm, thậm chí gần gấp đôi.
Trái với tâm lý lo ngại về sự bùng phát của dịch COVID-19, thị trường chứng khoán vừa trải qua một tháng hồi phục đầy tích cực. Chỉ số VN-Index kể từ đáy 662,53 điểm xác lập vào phiên 31/3 đã hồi phục mạnh lên 769,11 khi kết thúc tháng 4, tương ứng mức tăng 16,1%.
Mặc dù chưa thể ngay lập tức trở lại giai đoạn trước COVID-19, nhưng nhịp hồi phục này đã giúp thị trường “dễ thở” hơn sau cú giảm sốc trong quý 1. Thậm chí, những nhà đầu tư bắt đáy cuối tháng 3 đã thu về thành quả không nhỏ khi rất nhiều cổ phiếu trên thị trường đã tăng trưởng hàng chục phần trăm, thậm chí gần gấp đôi.
Thống kê các cổ phiếu có thanh khoản trên 50.000 đơn vị/phiên cho thấy FRT đang là cổ phiếu có mức tăng trưởng ấn tượng nhất với 90,58% chỉ trong tháng 4.
DBC cũng ghi nhận mức tăng trưởng khá mạnh với 73,99% nhờ KQKD đột biến và kỳ vọng giá lợn sẽ tích cực hơn trong năm nay.
HVN dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 và thậm chí lỗ gần 2.600 tỷ đồng trong quý 1 cũng có nhịp hồi phục ấn tượng, lên tới 51,12%. Có lẽ kỳ vọng hoạt động hàng không sẽ dần hồi phục sau khi dỡ bỏ “giãn cách xã hội” vào cuối tháng 4 đã tác động tích cực tới giá cổ phiếu.
Các cổ phiếu VN30 cũng ghi nhận sự hồi phục mạnh trong tháng 4 với mức tăng bình quân lên tới 17,1%, nhỉnh hơn 1% so với mức tăng của VN-Index. Trong đó, POW là cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất VN30 với mức tăng 48,8%.
Bộ đôi cổ phiếu bán lẻ MWG, PNJ cũng hồi phục lần lượt 38,7% và 24% dù chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19 khi phải đóng bớt một số cửa hàng cũng như sức mua sụt giảm.
Tương tự như HVN, cổ phiếu VJC của Vietjet Air cũng tăng 18,8% trong tháng 4 với kỳ vọng hoạt động hàng không sẽ dần hồi phục.
Trong VN30, các cổ phiếu ngân hàng có sự hồi phục khá “yếu” so với mặt bằng chung. EIB, SBT, VCB, TCB, BID đều có mức tăng thấp hơn VN30-Index cũng như VN-Index. CTG và HDB có mức tăng tương đương VN-Index, trong khi VPB là cổ phiếu tăng tốt nhất với 20,9%. Việc các cổ phiếu ngân hàng hồi phục không quá tốt trong tháng qua có thể đến từ lo ngại nợ xấu sẽ gia tăng sau dịch COVID-19. Ngoài ra, việc giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận ngân hàng.
Điều gì khiến nhiều cổ phiếu tăng mạnh trong tháng 4?
Diễn biến tích cực của thị trường trong tháng 4 có thể đến từ kỳ vọng của giới đầu tư về việc cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19 trong nước. Việc Chính phủ tiến hành “giãn cách xã hội” đã mang lại kết quả tích cực khi số ca lây nhiễm mới, đặc biệt lây nhiễm trong cộng đồng ngày càng ít và thậm chí không còn xuất hiện trong nửa cuối tháng 4.
Một điều trùng hợp là số ca dương tính COVID-19 tại Việt Nam tạo đỉnh vào ngày 29/3 với 169 trường hợp, cũng là thời điểm thị trường tạo đáy. Thống kê quá khứ cho thấy “đỉnh dịch bệnh là đáy chứng khoán” và lần này đang cho kết quả tương tự.
Số ca dương tính COVID-19 tại Việt Nam tạo đỉnh vào cuối tháng 3 (nguồn: worldometers)
Ngoài ra, tháng 4 cũng là giai đoạn TTCK toàn cầu đồng loạt hồi phục sau cú giảm sốc trong tháng 3, qua đó tác động tích cực tới tâm lý giới đầu tư trong nước. Việc các NHTW trên thế giới đồng thuận tung ra các gói kích thích kinh tế, cùng yếu tố dịch COVID-19 có dấu hiệu tạo đỉnh vào cuối tháng 4 đã hỗ trợ cho TTCK.
Trong nước, Chính phủ đẩy mạnh tung ra các gói hỗ trợ kinh tế, giảm lãi suất, cũng như quyết liệt đẩy nhanh đầu tư công (đặc biệt dự án cao tốc Bắc Nam và sân bay Long Thành) sẽ là động lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thời “hậu Covid”.
Về mặt định giá, sau cú sụt giảm mạnh tháng 3, định giá P/E của VN-Index có thời điểm chỉ còn khoảng 10 lần, mức thấp nhất trong gần 10 năm qua. Việc thị trường có định giá thấp đã khiến dòng tiền bắt đáy tăng mạnh, qua đó góp phần tạo nên con sóng hồi phục trong tháng 4.
Số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam cho biết trong tháng 3 có tới gần 32.000 tài khoản chứng khoán được nhà đầu tư trong nước mở mới, đây là con số lớn nhất kể từ tháng 3/2018 khi VN-Index đạt đỉnh 1.200 điểm. Việc nhiều nhà đầu tư mới, hay còn gọi là nhà đầu tư F0 mở tài khoản trong tháng 3 đã mang lại dòng tiền mới cho thị trường.
Bên cạnh đó, hàng loạt doanh nghiệp cũng đăng ký mua cổ phiếu quỹ trong tháng 4, tháng 5. Nếu tính cả lượng cổ phiếu lãnh đạo doanh nghiệp đăng ký mua thì tổng giá trị đăng ký mua vào lên tới trên 8.000 tỷ đồng. Cùng với dòng tiền “F0”, sự nhập cuộc của các doanh nghiệp và ban lãnh đạo khi đăng ký mua cổ phiếu đang là động lực chính hỗ trợ thị trường trong bối cảnh khối ngoại bán ròng ồ ạt.
(Theo Trí thức trẻ)