Chính phủ vừa giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối thêm 1.000 tỉ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và bổ sung 2.000 tỉ đồng cho bốn ngân hàng thương mại để hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là khi có tiền thì họ kiếm nhà ở xã hội để mua ở đâu khi nguồn cung vẫn ít ỏi.
Thiếu trầm trọng nguồn cung
Theo Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội toàn quốc giai đoạn 2011-2020 khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, TPHCM khoảng 134.000 căn, Hà Nội khoảng 110.000 căn, Bình Dương 41.250 căn, Đồng Nai 35.700 căn, Đà Nẵng 11.500 căn…
Tuy nhiên, đến nay, các địa phương chỉ mới xây dựng, bàn giao 198 dự án với 81.700 căn hộ, mới đạt được khoảng 33% kế hoạch đã đề ra.
Cụ thể như theo kế hoạch, giai đoạn 2016-2020, TPHCM phát triển và quản lý 20.000 căn nhà ở xã hội, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, thành phố hiện mới hoàn thành khoảng 50% chỉ tiêu kế hoạch.
Trong khi đó, từ năm 2014 đến nay, UBND TPHCM đã chấp thuận đầu tư tổng cộng 35 dự án phát triển nhà ở thương mại có diện tích trên 10ha.
Theo Nghị định 100/2015, đối với dự án có quỹ đất trên dưới 10ha, chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị đều phải dành 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội và có trách nhiệm trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất này.
Thế nhưng, thực tế, trong các dự án có diện tích trên 10ha của TPHCM hiện nay, chỉ có bốn dự án nhà ở xã hội được hoàn thành và đưa vào sử dụng trên tổng diện tích đất chỉ 6,3ha, với khoảng 5.000 căn hộ.
Đối với dự án có diện tích dưới 10ha, hầu hết đều không có dự án phát triển nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% theo quy định. Nguyên nhân là do các chủ đầu tư không nhiệt tình phát triển nhà ở xã hội, nhưng cơ quan quản lý không có biện pháp chế tài nghiêm khắc.
Một bất cập hiện nay đó là, một số dự án có quy mô trên 10ha đều đã xác định được quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội, nhưng chủ đầu tư chậm triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc chậm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật nên không thể triển khai xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất này được.
Còn đối với dự án có quy mô dưới 10ha, hầu hết quỹ đất 20% trong dự án đều được quy thành tiền; các chủ đầu tư sau khi nộp tiền thì thâu tóm luôn phần quỹ đất này, biến thành nhà ở thương mại.
Ngay cả nguồn vốn thu từ điều tiết 20% nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền đối với các dự án nhà ở thương mại có quy mô dưới 10ha vẫn chưa được Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng hướng dẫn phương thức quản lý, sử dụng, dẫn đến nguồn tiền này chưa được phân bổ lại để đầu tư nhà ở xã hội.
Nhiều nút thắt cần tháo
Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) mới đây có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Tài chính, UBND TPHCM về ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội.
Theo HoREA, có nhiều tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản tư nhân đã hưởng ứng “Chính sách về nhà ở xã hội” được quy định tại Luật Nhà ở và đã tham gia đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội để bán, bán trả góp (cho thuê mua).
Để khuyến khích phát triển nhà ở xã hội cho thuê, Chính phủ đã quy định ưu đãi cho chủ đầu tư được giảm 70% thuế suất thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP.
Tuy nhiên, căn cứ Luật Thuế giá trị gia tăng 2016 và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2013, nhiều doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội không được ưu đãi cho chủ đầu tư được giảm 70% thuế suất thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp do Nghị định và Luật “đá” nhau.
Vì vậy, HoREA đề nghị Tổng Cục Thuế, Bộ Tài chính nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép giảm 70% thuế suất thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án nhà ở xã hội để ưu đãi và khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, nhất là các dự án nhà ở xã hội cho thuê.
Theo Gia Miêu
Lao Động