M&A bất động sản: Xuất hiện những “cơn sóng lạ”; Ngành khách sạn “chạm đáy” giữa tâm dịch nhưng sẽ hồi phục mạnh mẽ… là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.
M&A bất động sản: Xuất hiện những “cơn sóng lạ”
Năm 2019, thị trường bất động sản chứng kiến hàng loạt thương vụ M&A “khủng”. Điển hình như Tập đoàn Hàn Quốc SK Group đầu tư 1 tỷ USD mua cổ phiếu Vingroup hay Công ty Bất động sản Sơn Kim huy động 121 triệu USD từ nhóm nhà đầu tư ACA Investments, EXS Capital và Credit Suisse AG.
Nhìn lại giai đoạn thị trường khủng hoảng 2009-2012, không ít doanh nghiệp như Hưng Thịnh, Novaland, Đất Xanh… đã nắm bắt cơ hội thâu tóm nhiều dự án “đắp chiếu” nên ngày càng lớn mạnh nhờ sở hữu quỹ đất lớn.
Sau giai đoạn bùng nổ, thị trường đầy khó khăn trong năm 2020 đã khiến nhiều doanh nghiệp và dự án bất động sản “đứng hình”. Lãnh đạo một đơn vị chuyên tư vấn chuyển nhượng các dự án bất động sản cho biết, khi thị trường lâm vào khủng hoảng thì M&A diễn ra rất sôi động.
Hiện có rất nhiều nhà đầu tư cá nhân và quỹ đầu tư đã đặt hàng đơn vị của ông tìm kiếm các tài sản như tòa nhà văn phòng, khách sạn vừa và nhỏ hay các resort, nhà phố… với tổng giá trị đầu tư khoảng 8.000-10.000 tỷ.
Lỗ hổng của Luật Đất đai 2013 “kìm chân” sự phát triển của các doanh nghiệp?
Kết quả đánh giá của nhiều tổ chức đã và đang cho thấy sự khan hiếm đất dành cho kinh doanh cũng như tác động của sự thiếu hụt này lên giá cả. Đây được coi là hai cản trở lớn đối với sự phát triển của các doanh nghiệp. Hơn nữa, đa số doanh nghiệp đều mong muốn được giao đất hoặc thuê đất từ Nhà nước (thông qua chính quyền các địa phương) để đảm bảo mảnh đất mình được sử dụng đã “nằm trong quy hoạch”, không bị đòi lại trước thời hạn để doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên việc giao đất hay thuê đất trực tiếp không phải dễ dàng, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một khảo sát của của IFC/FIAS về kinh nghiệm tiếp cận đất đai của doanh nghiệp vừa và nhỏ cho thấy: Cứ 4 doanh nghiệp thì chỉ có 1 doanh nghiệp được giao đất hay thuê đất trực tiếp từ Nhà nước. 75% số doanh nghiệp đang trong thời kỳ tăng trưởng thừa nhận rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của họ là thiếu đất.
Đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) chuyên nghiên cứu về phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai cho hay: Tại các địa phương, tỷ lệ người dân tiếp cận được kế hoạch sử dụng đất chỉ dao động tầm 13,6% – 20%. Còn việc góp ý kiến cho kế hoạch sử dụng đất cũng chỉ có khoảng 3 – 5%. Việc thiếu giám sát của cộng đồng trong thu hồi đất đối với các công trình, dự án cộng đồng là một trong những nguyên nhân gây mất niềm tin của dân đối với cơ quan chức năng.
Theo các chuyên gia, việc khó tiếp cận đất đai dù là ở giai đoạn nào cũng đều làm doanh nghiệp mất rất nhiều cơ hội làm ăn và càng không thể tăng sức cạnh tranh. Thiệt hại vô hình và hữu hình rất lớn.
Lao đao trong quý I, doanh nghiệp địa ốc có kịp “lội ngược dòng” trong quý II?
Báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh ngành xây dựng quý I/2020 và dự báo quý II/2020 của Tổng Cục Thống kê ngày 25/3/2020 cho thấy có đến 47,5% doanh nghiệp xây dựng đánh giá tình hình kinh doanh quý I/2020 khó khăn hơn so với quý trước của năm 2019, đặc biệt là doanh nghiệp trong khu vực ngoài Nhà nước và có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Mặt khác, các đơn vị nghiên cứu thị trường cũng ghi nhận trong quý I/2020, nhiều doanh nghiệp bất động sản lâm vào cảnh khó bởi dịch Covid-19 vì không thể mở bán dự án, các hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, không có nguồn thu do không bán được hàng.
Như vậy, cả doanh nghiệp bất động sản, xây dựng và người mua nhà đều gặp khó khăn. Do dịch Covid-19 người mua nhà bị giảm thu nhập, không trả được lãi vay ngân hàng, dẫn đến có khoảng 10% người mua nhà phải thanh lý hợp đồng. Điều này càng tạo thêm áp lực lên doanh nghiệp bất động sản, lợi nhuận trong quý I của doanh nghiệp sụt giảm nghiêm trọng.
Như Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (DXG), báo cáo tài chính quý I/2020 cho thấy, doanh thu chỉ đạt 602 tỷ đồng, giảm đến 60% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 67,5 tỷ đồng, giảm gần 240 tỷ đồng so với con số 307 tỷ đồng của quý I/2019.
Hàng tồn kho của DXG tăng lên 8.552 tỷ đồng và chủ yếu đến từ các dự án bất động sản dở dang như Gem Riverside (quận 2), Opal Boulevard, ST Moritz (quận Thủ Đức), Khu dân cư Long Thành (tỉnh Đồng Nai), La Maison, Sunview Sky, Opal City… Trong đó, tồn kho tại dự án Khu dân cư Long Thành lên đến 3.211 tỷ đồng.
Ngành khách sạn “chạm đáy” giữa tâm dịch nhưng sẽ hồi phục mạnh mẽ
Báo cáo từ Savills cho hay, số lượng phòng khách sạn trong quý I/2020 tại Hà Nội là khoảng 9.950 phòng, ổn định theo quý và theo năm với 66 khách sạn, bao gồm 16 khách sạn 5 sao, 19 khách sạn 4 sao và 31 khách sạn 3 sao. Tuy nhiên, do lượng du khách đến Hà Nội giảm đột ngột làm công suất trung bình của khách sạn 3 – 5 sao giảm 30 điểm % theo năm trong khi giá phòng trung bình giảm 13% theo năm, doanh thu phòng trung bình giảm 49% theo năm.
Cụ thể, trong quý I/2020, Hà Nội có khoảng 3,85 triệu lượt khách du lịch, giảm 47,2% theo năm, thấp nhất trong giai đoạn 5 năm trở lại đây. Trong đó, lượng khách quốc tế chỉ đạt 956.000 lượt, giảm 43,9% theo năm, khách nội địa giảm 48,2% theo năm xuống còn 2,89 triệu khách. Lượng khách quốc tế lưu trú chỉ đạt 756.000 lượt, giảm 36,9% theo năm. Khách quốc tế lưu trú đến từ Trung Quốc giảm 78,1% theo năm, Hàn Quốc giảm 52,1% và Nhật Bản giảm 33,3%.
Trong tháng 3, tổng lượt khách du lịch tới Hà Nội giảm 76% theo tháng và 87,4% theo năm xuống còn 321.390 lượt. Tổng doanh thu du lịch Hà Nội quý này là 15.687 tỷ đồng, giảm 38,8% theo năm.
Loạt doanh nghiệp mở rộng quỹ đất
Ông Phan Tấn Đạt, Tổng giám đốc CTCP DRH Holdings (HoSE: DRH) cho rằng năm 2019, TP HCM có nguồn cung căn hộ giảm. Bên cạnh lý do quỹ đất ở khu vực trung tâm ngày càng cạn kiệt thì nguyên nhân khác là thủ tục pháp lý bị trì hoãn, các chủ đầu tư phải thay đổi lộ trình bán hàng dẫn đến nguồn cung mới bị hạn chế. Thông tin được đưa ra tại Báo cáo thường niên của DRH Holdings. Doanh nghiệp này đang triển khai các dự án chung cư, đất nền, nhà phố, khu du lịch sinh thái biển tại TP HCM, Bình Dương, Bình Thuận.
Nhận định tình hình thị trường bất động sản sẽ gặp những khó khăn ngắn hạn nhưng về dài hạn vẫn mang lại nhiều cơ hội phát triển nhờ quá trình phát triển hạ tầng và đô thị hóa, DRH Holdings cho biết vẫn tiếp tục tìm kiếm và đầu tư mở rộng quỹ đất phục vụ phát triển dự án khu dân cư và dịch vụ thương mại tại TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Quốc…
Địa điểm đầu tư mục tiêu của đơn vị này là những khu vực đất đã hoàn thành giải tỏa, có vị trí thuận lợi để kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông hoàn chỉnh. Phương thức thực hiện gia tăng quỹ đất như lập quy hoạch, xin nhà nước giao đất hoặc M&A, trong đó chú trọng hình thức M&A nhằm phát triển nhanh quỹ đất sạch, có sẵn quy hoạch sử dụng, rút ngắn thời gian đưa vào khai thác.
Hà Linh (tổng hợp)