Trong khi các gia tộc giàu có ở Mỹ và châu Âu đổ xô mua các tài sản với giá hời thì nhà giàu châu Á lại tỏ ra thận trọng hơn – họ nắm giữ và tích trữ tiền mặt để chuẩn bị cho điều tồi tệ hơn.
Tháng 9 năm ngoái, khi đường phố Hồng Kông ngập trong khói hơi cay và dòng người biểu tình thì người thừa kế đời thứ 3 của nhà phát triển bất động sản Peterson Group – Tony Yeung vẫn tin tưởng kinh tế Hồng Kông sẽ hồi phục sau cuộc khủng hoảng đó. Ông vẫn thường xuyên bay đi bay về giữa châu Á và châu Âu để quản lý tài sản cho gia đình mình lẫn đối tác và săn tìm các thương vụ tiềm năng.
Nhưng bây giờ, chìm sâu trong cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch virus corona gây ra, Yeung là một trong nhiều giám đốc điều hành quỹ quản lý tài sản gia đình ở châu Á lo ngại một sự phục hồi nhanh chóng là điều không thể. Trong khi các gia tộc giàu có ở Mỹ và châu Âu đổ xô mua các tài sản với giá hời thì các gia tộc giàu có ở phương Đông lại tỏ ra thận trọng hơn – họ nắm giữ và tích trữ tiền mặt để chuẩn bị cho điều tồi tệ hơn có thể xảy ra.
“Chúng tôi đã áp dụng cách tiếp cận thận trọng nhất để theo dõi danh mục đầu tư của mình và nói chung là đứng về phía phòng thủ”, ông Yeung – hiện đang giữ chức giám đốc điều hành của quỹ này nói thêm: “Là một gia đình, có thể bỏ lỡ cơ hội nhưng không thể để mất tiền”.
Sự chần chừ của một số gia đình giàu có ở châu Á trong một số giao dịch tiềm năng là một dấu hiệu cảnh báo cho nền kinh tế toàn cầu. Trong khi các gia đình giàu có ở châu Âu quản lý tiền giống như các công ty đầu tư thông thường thì các gia đình giàu có ở châu Á lại có xu hướng mới hơn, mảng kinh doanh gốc vẫn là cốt lõi hoạt động của họ.
Điều này mang lại một cái nhìn trực diện về tình hình thực tế của nền kinh tế – từ mảng khách sạn, bán lẻ, cho đến sản xuất và vận chuyển – cho thấy dự báo về nền kinh phục hồi nhanh sau đại dịch này là rất khó.
Các quỹ quản lý tài sản thường quản lý tài sản cho một gia tộc siêu giàu hoặc một nhóm các gia đình giàu có. Theo số liệu của công ty nghiên cứu Campden Research, tính đến giữa năm 2019, trên toàn cầu có hơn 7.300 quỹ quản lý tổng khối tài sản là 5,9 nghìn tỷ USD.
Mặc dù về cấu trúc và bản chất của các quỹ là khác nhau, song mục tiêu chung của các quỹ là bảo vệ và phát triển tài sản, giúp các gia tộc giàu có có được một cái nhìn dài hạn trong thời kỳ hỗn loạn thị trường.
Joseph Poon – Trưởng nhóm tại Ngân hàng tư nhân DBS ở Singapore – cho biết, nhiều khách hàng của ông là các quỹ quản lý gia đình ở châu Á ban đầu đều triển khai cùng một kịch bản như trong vụ dịch Sars năm 2003, tức cho rằng nền kinh tế sẽ phục hồi trong vài tháng. Nhưng khi virus corona lan rộng thành đại dịch toàn cầu và các “thiên đường tài chính an toàn” đều bốc hơi, thì họ nhanh chóng nhận ra rằng cuộc khủng hoảng này kinh khủng hơn nhiều. Vì vậy, họ thận trọng hơn bằng cách gia tăng nắm giữ tiền mặt.
Quỹ quản lý tài sản AJ Capital, hiện đang quản lý tài sản cho gia đình Jhunjhunwala, ban đầu cũng dự định cung cấp các khoản vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Ấn Độ. Nhưng sau đó kế hoạch này đã bị trì hoãn khi lệnh phong toả để chống dịch đã tác động sâu sắc tới nền kinh tế. Quỹ này sau đó đã có sự thận trọng hơn đối với các thương vụ đầu tư.
Nhà sáng lập Right People Renewable Energy– Robin Pho, điều hành quỹ quản lý tài sản gia đình của riêng mình và thành viên hội đồng quản trị của mạng lưới quản lý quỹ gia đình châu Á – cũng cho biết, một số gia đình giàu có mà ông đã trao đổi cho biết đã bán tài sản để nắm giữ tiền mặt.
“Nhiều người đang thắt chặt hầu bao và tập trung vào tích trữ. Những thương vụ sẽ giảm đi bởi ai cũng đều thận trọng và đang chờ đợi xem xét tình hình”, ông Robin Pho nói.
Nhật Linh
Theo Bloomberg