Trước các điều kiện kinh doanh đang làm khó kinh doanh, doanh nghiệp đang mong chờ nhưng cơ chế mới, cởi trói chọ việc kinh doanh và nền kinh tế, tạo đà bước vào kỷ nguyên mới.
Doanh nghiệp hào hứng chờ cơ chế mới
Vừa qua, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ để góp ý Dự thảo Nghị quyết phê duyệt Chương trình Cắt giảm giấy phép và Đổi mới hoạt động cấp phép tại bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2025 – 2030.
VASEP mong muốn Nghị quyết sớm được Chính phủ thông qua và ban hành để hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính liên quan sản xuất, kinh doanh của công đồng doanh nghiệp và đời sống của người dân.
“Dự thảo đã bao quát hết các lĩnh vực, vấn đề và đặc biệt là rõ mục tiêu, thời hạn cụ thể. Đây là điều mà các doanh nghiệp luôn trông đợi”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP hào hứng chia sẻ.
Nổi bật như, năm 2026 sẽ không còn điều kiện đầu tư, kinh doanh quy định chung chung, không rõ ràng, thiếu cụ thể. Hàng năm, rà soát, bãi bỏ tối thiểu 5% điều kiện đầu tư, kinh doanh không hợp pháp hoặc không còn phù hợp thực tiễn hoặc can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoặc có thể thay thế bằng biện pháp quản lý khá hiệu quả hơn.
Đến năm 2030, bãi bỏ hoặc thu hẹp phạm vi của các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tối thiểu 20% so với năm 2024.
Đáng chú ý, Dự thảo đề xuất triển khai thí điểm trước khi nhân rộng quy trình “luồng xanh” trong thực hiện thủ tục hành chính đối với một số loại dự án đặc thù. Trong đó, năm 2025 sẽ phải hoàn thành, công khai, cập nhật quy trình thực hiện thủ tục hành chính và thí điểm cơ chế luồng xanh đối với một số dự án thuộc các dự án đầu tư nhà ở, công trình giao thông, nông nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp bán dẫn, điện tử.
Như vậy, có thể thấy rõ sự kỳ vọng cũng như mong mỏi rất lớn từ phía các doanh nghiệp đối với việc cải cách cơ chế, cắt giảm thủ tục hành chính, thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Bởi theo nhiều chuyên gia cũng như chính các doanh nghiệp, nhiều cơ chế, thủ tục hành chính hiện được coi là “điểm nghẽn” lớn nhất mà họ phải đối mặt.
Trước đó, tại phiên thảo luận của Quốc hội về về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025, ông Trịnh Xuân An, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh nhấn mạnh, doanh nghiệp tư nhân có thể không cần tiền, nhưng họ rất cần cơ chế.
Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban cố vấn, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội cũng cho biết, doanh nghiệp không cần việc gì cũng hỗ trợ bằng tiền, điều họ mong muốn là thông thoáng về thủ tục hành chính.
Áp lực trước “vòng vây” quy định lỗi thời
Thực tế, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ cùng các Bộ ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tuy nhiên, vẫn tập trung chủ yếu ở đơn giản bộ phận tạo thành của thủ tục hành chính, gồm hồ sơ, giấy tờ, giảm thời gian thực hiện.
Song, số lượng thủ tục hành chính được cắt giảm còn khiêm tốn. Theo thống kê, từ đầu năm 2021 đến nay mới cắt giảm được 431 thủ tục hành chính. Cụ thể, đầu năm 2021, cả nước có 6.778 thủ tục hành chính; đến tháng 9/2024, còn 6.347 thủ tục. Qua đó, có thể thấy rằng, số lượng thủ tục hành chính được cắt giảm vẫn còn khiêm tốn.
Trong đó, số lượng thủ tục hành chính về cấp phép (gia nhập thị trường hoặc thực hiện một số hoạt động cụ thể trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh) còn rất lớn, với 5.138 thủ tục, chiếm 81,6% tổng số thủ tục hành chính của cả nước.
Giữa “vòng vây” các quy định còn tồn tại như vậy, áp lực thực hiện trong giai đoạn tiếp theo của các bộ, ngành sẽ là rất lớn.
Thêm vào đó, nhiều quy định, thủ tục hành chính còn tồn tại vẫn tạo nhiều rào cản, hạn chế về quyền tự do kinh doanh và ẩn chứa rủi ro với doanh nghiệp.
Đặc biệt, khu vực doanh nghiệp tư nhân chịu gánh này nặng hơn khá nhiều so với khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Khảo sát do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện vào hồi tháng 10 cho thấy, có tới 44,5% doanh nghiệp tư nhân nhắc đến rào cản này, trong khi chỉ khoảng 35% doanh nghiệp nhà nước và 39% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có cùng suy nghĩ.
Khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy, có tới 61% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp phép kinh doanh có điều kiện; 61,36% doanh nghiệp còn phải trả chi phí không chính thức cao trong hoạt động cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện…
Đặc biệt, những phiền hà về cấp phép kinh doanh là nguyên nhân khiến 21,7% doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh.
Để công tác cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp được triển khai một cách hiệu quả, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI kiến nghị, bổ sung yêu cầu các cơ quan rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa phải lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp và có trách nhiệm giải trình đối với các ý kiến góp ý.
Bởi theo ông Tuấn, thời gian vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp tham gia quá trình soạn thảo và ban hành các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định về kinh doanh còn rất hạn chế.
“Việc tham vấn đầy đủ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến vào các phương án rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa của các bộ, ngành sẽ khiến hoạt động này trở nên thực chất và hiệu quả”, ông Đậu Anh Tuấn gửi kiến nghị.
Ngoài ra, VCCI còn đề nghị đặt riêng tỷ lệ mục tiêu của tiêu chí cắt giảm giấy phép và chuyển hình thức thông báo hoặc cấp phép tự động, thay vì gộp chung như trong Dự thảo. Lý do được đưa ra là, cắt giảm là bãi bỏ giấy phép, còn chuyển hình thức là giấy phép vẫn tồn tại, dù thủ tục thực hiện được đơn giản, thuận tiện hơn.
Về phía các doanh nghiệp, họ cho rằng nhiều sản phẩm, dịch vụ được áp dụng điều kiện kinh doanh là biện pháp quản lý quá mức cần thiết, không phù hợp. Thay vì đặt ra điều kiện kinh doanh, nên ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp như yêu cầu đối với sản phẩm, hàng hóa trước khi lưu thông vào thị trường; nghĩa vụ doanh nghiệp phải thực hiện trong quá trình sản xuất, kinh doanh hay các chế tài đủ mạnh để răn đe đối với các hành vi vi phạm.