Đến nay, NOXH của Việt Nam chỉ mới thực hiện được khoảng 34% kế hoạch đã đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 – chưa đạt được như kỳ vọng vì thiếu vốn.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đối với chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân khu công nghiệp, đến nay cả nước đã hoàn thành 207 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng trên 85.000 căn, tổng diện tích khoảng 4,29 triệu m2 nhà ở và đang tiếp tục triển khai 220 dự án với khoảng gần 180.000 căn.
Tuy nhiên, kết quả của chương trình này so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia là đến hết 2020 cả nước cần đạt 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội thì mới đạt khoảng 34%.
Bên cạnh vấn đề hạ tầng, thiếu quỹ đất… thì thiếu vốn vay ưu đãi là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội. Cơ chế ưu đãi chưa đủ hấp dẫn để hút các chủ đầu tư tham gia phát triển dự án nhà ở xã hội. Sau gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng thì cũng chưa có gói ưu đãi nào đủ lớn nên các chủ đầu tư không mấy mặn mà.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, thực tế cho thấy việc bố trí những địa điểm triển khai các dự án nhà ở xã hội chưa thích hợp. Nếu cứ coi nhà ở xã hội là khu nhà ở cho người nghèo, cứ cách biệt ra là không hợp lý. Nên coi đó là một phần, một phân khu của cả một khu đô thị thì mới đồng bộ được.
Ảnh minh họa.
Trong khi đó, thực tế cũng đã xuất hiện nghịch lý nguồn cung thiếu nhưng lại có dự án nhà ở xã hội bán mãi không hết hàng. Lý giải vấn đề này, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết, có một số dự án nhà ở xã hội mời gọi rất nhiều nhưng có rất ít, hoặc không có chủ đầu tư tham gia, thậm chí có nhiều dự án còn yêu cầu chuyển đổi từ nhà ở xã hội sang nhà ở thương mại. Điều này xuất phát từ việc do vị trí xây dựng dự án nhà ở xã hội đôi khi không phù hợp với đối tượng hướng tới như cách xa hệ thống giao thông công cộng hay nơi làm việc như các khu công nghiệp.
Hơn nữa, đối tượng nhà ở xã hội là người thu nhập thấp, nhưng hiện nay cơ cấu tỷ lệ căn hộ và đặc biệt là phương thức kinh doanh chủ yếu lại là thương mại trong khi đó thiếu hẳn phương thức cho thuê hoặc thuê mua… dẫn tới khả năng cung ứng về mặt số lượng không đáp ứng nhu cầu.
Vừa qua, Nghị quyết số 71/2018/QH14 của Chính phủ bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định nhằm thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội. Tuy nhiên, hiện mới có Nghị quyết chứ chưa có vốn.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), gói 2.000 tỷ đồng đang chờ quyết định của Thủ tướng phân bổ nguồn vốn cho các lĩnh vực kinh tế, trong đó nhà ở xã hội là một phần nhỏ.
Bộ Xây dựng cũng sẽ chủ trì quy chuẩn, tiêu chuẩn đối tượng được vay do gói này chỉ dành riêng cho nhà ở xã hội, khác với gói 30.000 tỷ đồng trước đây là gói tái cấp vốn và cho cả nhà ở thương mại giá rẻ dưới 15 triệu đồng/m2. Đồng thời, Bộ sẽ sửa Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội liên quan đến trình tự thủ tục, đất chưa hợp lý…
Đưa ra những giải pháp cơ bản để phát triển nhà ở xã hội, các chuyên gia cho rằng, trước hết Nhà nước cần xem xét có thêm những chế độ ưu đãi. Trong quy hoạch phải thực hiện nghiêm túc việc bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, kiên quyết khai thác quỹ đất dành cho nhà ở xã hội trong các khu đô thị để triển khai xây dựng; phải xây dựng cơ cấu hợp lý cho các chủ đầu tư.
Việc Bộ Xây dựng cho phép xây căn hộ 25m2 là một giải pháp tình thế hợp lý thế nhưng phải có một tỷ lệ thỏa đáng và phải căn cứ vào quy mô dân số mà quy hoạch quy định ở từng khu vực nhất định vì nếu không sẽ dẫn đến vượt quá ngưỡng dân số quy định thì lại tạo áp lực cho đô thị…
Theo Linh Đan