Sau khi Bain Capital và Masan xác nhận bằng văn bản rằng ngày 22/4/2024 sẽ hoàn tất giao dịch, Masan đã gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hồ sơ phát hành riêng lẻ cổ phiếu ưu đãi cổ tức có thể chuyển đổi để tiến tới hoàn tất thương vụ đầu tư.
Ngày 1/4/2024, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) thông báo, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nhận được đầy đủ hồ sơ phát hành riêng lẻ cổ phiếu ưu đãi cổ tức có thể chuyển đổi theo nội dung tại Giấy đăng ký chào bán số 40/2024/BC ngày 24/1/2024 và tài liệu bổ sung theo Công văn số 093/2024/CV ngày 4/3/2024 của doanh nghiệp.
Theo đó, phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ của Công ty được thực hiện theo các Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 gồm: Nghị quyết số 218/2023/NQ-ĐHĐCĐ ngày 24/4/2023, Nghị quyết số 527/2023/NQ-HĐQT ngày 1/10/2023, Nghị quyết số 355/2023/NQ-HĐQT ngày 5/12/2023, Nghị quyết số 359/2023/NQ-HĐQT ngày 5/12/2023, Nghị quyết số 37/2024/NQ-HĐQT ngày 24/1/2024 và các quy định của pháp luật.
Được biết, hồ sơ trên liên quan đến khoản đầu tư 250 triệu USD (khoảng 6.000 tỷ đồng) từ Bain Capital vào Masan. Việc Masan gửi hồ sơ phát hành tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là bước cuối cùng theo quy định để hai bên hoàn tất giao dịch.
Trước đó, Bain Capital và Masan đã xác nhận bằng văn bản rằng ngày 22/4/2024 sẽ hoàn tất giao dịch. Các điều khoản giao dịch vẫn giữ nguyên như thỏa thuận ban đầu vào tháng 10/2023.
Ngày 2/10/2023, Masan công bố thông tin Bain Capital cam kết đầu tư ít nhất 200 triệu USD bằng vốn cổ phần vào Masan. Tùy theo nhu cầu sử dụng vốn của Masan cũng như điều kiện thị trường, số vốn do nhóm nhà đầu tư được Bain Capital dẫn dắt có thể lên tới 500 triệu USD.
Theo thỏa thuận, giao dịch này là khoản đầu tư vốn cổ phần dưới hình thức Cổ phần ưu đãi cổ tức có thể chuyển đổi – Convertible Dividend Preference Share (CDPS) được phát hành với giá 85.000 đồng/cổ phần. Cổ phần này có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông với tỷ lệ 1:1.
Mức cổ tức cố định của mỗi CDPS là 0% trong vòng 5 năm đầu tiên kể từ ngày phát hành. Từ sau năm thứ 6 trở đi, mức cổ tức cố định của mỗi CDPS là 10%/năm. Vào năm thứ 10 kể từ ngày phát hành, các CDPS đang lưu hành sẽ bắt buộc chuyển đổi thành cổ phần phổ thông của Masan.
Jefferies Singapore Limited và UBS AG Singapore Branch là hai đơn vị giữ vị trí cố vấn tài chính cho Masan.
Dòng vốn từ Bain Capital phù hợp với chiến lược củng cố vị thế tài chính của Masan, khoản đầu tư 250 triệu USD từ Bain Capital sẽ tăng cường nguồn lực của Masan, giúp gia tăng thanh khoản để đáp ứng mọi nghĩa vụ tài chính, đồng thời mang lại sự linh hoạt cho doanh nghiệp trong việc triển khai các sáng kiến chiến lược.
Về kết quả kinh doanh, doanh thu thuần của Masan trong năm 2023 đạt 78.252 tỷ đồng, tăng 2,7% so với năm 2022. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp chỉ đạt 1.870 tỷ đồng, giảm hơn 60% so với năm ngoái do chi phí tài chính và chi phí bán hàng tăng mạnh.
Gánh nặng tài chính của Masan chủ yếu đến từ nợ vay lớn. Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng nợ vay của Masan là gần 70.000 tỷ đồng (chiếm 47% tổng nguồn vốn), giảm nhẹ so với hồi đầu năm. Cơ cấu nợ của doanh nghiệp được chuyển dịch từ tăng nợ dài hạn và giảm nợ ngắn hạn; giảm nợ trái phiếu và tăng nợ ngân hàng.
Năm 2024, Masan dự kiến đạt lợi nhuận sau thuế sẽ nằm trong khoảng 2.290 đến 4.020 tỷ đồng. Trong kịch bản tích cực, lợi nhuận Masan sẽ tăng trưởng mạnh gấp đôi so với mức 1.950 tỷ đồng của năm 2023.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 1/4, giá cổ phiếu MSN ở mức 73.400 đồng/cổ phiếu, giảm 1,08% so với hôm qua. Đáng chú ý, kể từ sau khi đạt được mức giá 80.800 đồng/cổ phiếu hồi đầu tháng 3/2024, mã cổ phiếu này liên tục giảm. Cụ thể, cổ phiếu MSN đã có 12 phiên giảm và chỉ có 5 phiên tăng.
Công ty Quỹ đầu tư Bain Capital được thành lập năm 1984 tại Mỹ. Doanh nghiệp này đã thực hiện hơn 1.100 khoản đầu tư, chủ yếu ở các lĩnh vực cốt lõi là tiêu dùng, công nghiệp, chăm sóc sức khỏe, công nghệ, dịch vụ tài chính và kinh doanh. Bain Capital có tổng giá trị tài sản quản lý khoảng 180 tỷ USD.
Thu Hiền