Trong tuần giao dịch 20/4 – 24/4, có tới 13/18 cổ phiếu ngân hàng giảm giá với SHB giảm mạnh nhất (8,9%). Đóng cửa tuần, giá trị vốn hóa của 18 ngân hàng giảm gần 30.900 tỉ đồng, tương ứng 3,8%.
Vốn hóa toàn ngành tăng hơn 28.500 tỉ đồng
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua (20/4 – 24/4), giá trị vốn hóa của 18 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UpCom dừng ở hơn 790.200 tỉ đồng, giảm gần 30.900 tỉ đồng so với mức đóng cửa tuần trước (ngày 17/4), tương ứng giảm 3,8%.
Tuần qua, vốn hóa thị trường của hầu hết ngân hàng đều sụt giảm. Trong đó, vốn hóa Vietcombank giảm gần 9.300 tỉ đồng, tương đương giảm 3,5%; vốn hóa BIDV giảm hơn 5.600 tỉ đồng, tương đương 3,7%; vốn hóa VietinBank giảm hơn 3.350 tỉ đồng, tương đương giảm 4,5%…
SHB giảm mạnh nhất ngành
Tuần qua có tới 13/18 cổ phiếu ngân hàng giảm giá. Trong đó, SHB là mã giảm mạnh nhất ngành (8,9%). Ngoài SHB, nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng ghi nhận mức giảm mạnh như STB giảm 6,5%, MBB giảm 5,6%, LPB giảm 5,5%, CTG giảm 4,5%, …
Ở chiều ngược lại, chỉ có 3 cổ phiếu ngân hàng tăng giá trong tuần với VBB tăng mạnh nhất (7,3%). Bên cạnh đó, KLB của Kienlongbank cũng bật tăng 6,9% trong khi EIB (Eximbank) tăng 0,7%.
Tuy nhiên, đây đều là những cổ phiếu ít được nhà đầu tư chú ý do có thanh khoản tương đối thấp như KLB và VBB (chỉ khoảng 100 – 200 cp/phiên) hoặc chủ yếu giao dịch qua hình thức thỏa thuận như EIB.
Hai mã đứng giá trong tuần gồm có NVB và BAB.
STB tiếp tục dẫn đầu thanh khoản
Xét về thanh khoản, trong tuần qua có gần 263 triệu cổ phiếu ngân hàng được giao dịch, tương ứng với giá trị đạt gần 4.600 tỉ đồng; giảm 15,7% về khối lượng và 16,4% về giá trị so với tuần trước.
Trong đó, STB tiếp tục là cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất ngành với hơn 45,9 triệu đơn vị được trao tay, tương ứng giá trị giao dịch đạt gần 425 tỉ đồng.
Đây là tuần thứ năm liên tiếp STB dẫn đầu thanh khoản ngành ngân hàng. Trong 4 tuần trước đã có gần 198 triệu cổ phiếu này được được giao dịch với giá trị đạt gần 1.796 tỉ đồng.
Xếp tiếp sau STB về thanh khoản lần lượt là MBB với gần 38,2 triệu cp, CTG gần 27,9 triệu cp, VPB với 25,7 triệu cp và SHB với hơn 23,6 triệu cp…
Ở chiều ngược lại, BAB, VBB và KLB tiếp tục là ba mã có khối lượng giao dịch thấp nhất ngành lần lượt ở mức 13.300 cp, 8.518 cp và 1.600 cp.
14/18 cổ phiếu ngân hàng có khối lượng giao dịch giảm
Trong tuần qua, có tới 14/18 cổ phiếu ngân hàng sụt giảm thanh khoản. Trong đó, khối lượng giao dịch TPB giảm mạnh nhất với chỉ 1,7 triệu cp được trao tay, giảm 84,4% so với tuần trước đó.
Bên cạnh TPB, thanh khoản nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng giảm mạnh như KLB (giảm 75,3%), VPB (giảm 34,8%), SHB (giảm 32,2%),…
Ngược lại, chỉ 4/18 cổ phiếu ngân hàng có khối lượng giao dịch tăng. Trong đó, khối lượng giao dịch của VCB tăng nhiều nhất (gần 10%). Cùng với VCB thì NCB, MBB và ACB là ba cổ phiếu có thanh khoản tăng trong tuần.
EIB tiếp tục giao dịch thỏa thuận “khủng”
Xét về phương thức giao dịch, tuần qua có hơn 222,5 triệu cổ phiếu ngân hàng được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 3.868 tỉ đồng, chiếm 85% về khối lượng và 84% về giá trị.
Hơn 40,4 triệu cp còn lại được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt 721 tỉ đồng. Trong đó, EIB là mã có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn nhất với gần 14,6 triệu đơn vị được trao tay theo hình thức này, chiếm 86% tổng khối lượng cổ phiếu EIB được giao dịch trong tuần..
Đây là tuần thứ hai liên tiếp EIB dẫn đầu về khối lượng giao dịch thỏa thuận, trong tuần trước cũng đã có hơn 19,7 triệu cổ phiếu EIB được mua – bán thỏa thuận với giá trị giao dịch đạt gần 300 tỉ đồng.
Bên cạnh EIB, nhiều mã khác cũng có lượng giao dịch thỏa thuận lớn như SHB (gần 6,8 triệu cp), TCB (hơn 6 triệu cp), MBB (hơn 5,1 triệu cp),…
Sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần
VPBank trình cổ đông phương án mua lại tối đa gần 122 triệu cổ phiếu quĩ, giảm room ngoại xuống 15%
VPBank vừa có văn bản xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) về việc xem xét thông qua phương án mua lại tối đa 5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành làm cổ phiếu quĩ (gần 122 triệu cổ phiếu). Mục đích giao dịch nhằm giảm lượng cổ phiếu đang lưu hành, hỗ trợ giao dịch, gia tăng giá trị cổ đông…
Ước tính, ngân hàng sẽ chi ra khoảng 2.500 tỉ đồng để mua cổ phiếu quĩ. Giao dịch dự kiến thực hiện qua phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận trong năm 2020.
Vietcombank, VietinBank, ACB, VPBank, MB… công bố báo cáo tài chính quí I/2020
Trong quí I/2020, lợi nhuận trước thuế Vietcombank đạt 5.223 tỉ đồng, giảm 11% so với cùng kì 2019. Sự sụt giảm lợi nhuận của Vietcombank đến từ sự đi xuống của cả hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 0,1% xuống 7.375 tỉ đồng) và áp lực trích lập dự phòng rủi ro (chi phí dự phòng tăng mạnh từ 1.506 tỉ đồng lên 2.152 tỉ đồng).
Lợi nhuận trước thuế quí I của ACB đạt 1.925 tỉ đồng, tăng 12,8% so với cùng kì năm trước.
Tính đến 31/3/2020, tổng tài sản của ngân hàng tăng 1% lên 387.396 tỉ đồng, trong đó cho vay khách hàng đạt 274.794 tỉ đồng, tăng 2,3%. Số dư tiền gửi khách hàng tăng nhẹ lên 312.654 tỉ đồng. Tỉ lệ nợ xấu tăng từ 0,54% lên 0,66%.
Trong quí I, lợi nhuận trước thuế VietinBank giảm 5,7% so với cùng kì năm trước xuống 2.974 tỉ đồng.
Tính đến 31/12/2020, tổng tài sản của VietinBank giảm 1,5% với hơn 1,22 triệu tỉ đồng, huy động tiền gửi tăng nhẹ 0,3% đạt gần 896 nghìn tỉ đồng. Tỉ lệ nợ xấu tăng từ 1,16% lên 1,58%.
Trong quí I/2020, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank đạt 2.912 tỉ đồng, tăng hơn 63% so với cùng kì năm 2019. Tăng trưởng cho vay trong 3 tháng đầu năm đạt 2,6% trong khi nợ xấu giảm xuống còn 3,03%.
Hết quí I/2020, lợi nhuận hợp nhất trước thuế MB đạt 2.195 tỉ đồng, giảm 9,4% so với cùng kì 2019.
Tính đến cuối tháng 3, tổng tài sản MB đạt 406.803 tỉ đồng, giảm 1,1% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng giảm nhẹ xuống 247.980 tỉ đồng. Tiền gửi khách hàng ở mức 240.737 tỉ đồng, giảm 11,7%. Tỉ lệ nợ xấu tăng từ 1,16% lên 1,62%.
Quốc Thụy
Theo Kinh tế & Tiêu dùng