Fitch Ratings cho rằng chính sách tài chính và tiền tệ trong nước của Việt Nam đã hỗ trợ nhiều cho nền kinh tế, theo đó Fitch dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,3% vào năm 2024 và 7,0% vào năm 2025.
Theo Fitch Ratings, các yếu tố cơ bản trong trung hạn của nền kinh tế Việt Nam vẫn khả quan và đà tăng trưởng bền vững sẽ mở ra triển vọng kinh doanh tích cực cho các ngân hàng.
Fitch cho biết thêm, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 9 tháng năm 2023 đang chững lại ở mức 4,3% trong bối cảnh nhu cầu bên ngoài suy yếu và những khó khăn dai dẳng trong lĩnh vực bất động sản.
Ngày 9/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội năm 2024. Theo đó, Quốc hội chốt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6 – 6,5%, tốc độ tăng Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 – 4,5%.
Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá mục tiêu tăng trưởng này là khá cao, tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, việc đặt chỉ tiêu ở mức cao thể hiện quyết tâm của Chính phủ, phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra, đồng thời để bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng đánh giá đây là mục tiêu phù hợp dựa trên một số kỳ vọng như lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là xuất khẩu tiếp tục phục hồi ở mức vừa phải; chi đầu tư công dự kiến tăng thêm 13% so với kế hoạch ngân sách trình Quốc hội năm ngoái và tăng thêm 19% so với dự toán năm 2023, chưa kể phần vốn của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế chưa giải ngân hết được kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2024; niềm tin kinh doanh và niềm tin tiêu dùng phục hồi khi mặt bằng lãi suất giảm kéo theo sự phục hồi hoạt động kinh tế trong nước tích cực hơn năm 2023.
Nhận định chung được đưa ra là kinh tế Việt Nam đã có sự tích lũy ấn tượng và có nhiều cơ hội để vươn lên khẳng định vị thế trong thời gian tới.
Trang Asia Times có bài viết với tiêu đề: “Con hổ kinh tế bắt đầu cất tiếng gầm tại Việt Nam”. Bài viết đặc biệt lưu ý tới một bước ngoặt quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Đó là nặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Mỹ không còn là hàng dệt may, mà là các sản phẩm công nghệ cao. Bài viết này nhận định Việt Nam có tiềm năng trở thành nơi xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao lớn thứ tư thế giới.
Nhìn lại sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong 2 thập kỷ qua, trang Moneyweek nhấn mạnh Việt Nam đã từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, với GDP bình quân đầu người tăng 3,6 lần trong 20 năm tính từ năm 2002. Trong giai đoạn này, Việt Nam cũng đã chứng kiến 3 làn sóng bùng nổ đầu tư nước ngoài rõ rệt.
Ông Jean-Jacques Bouflet – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết: “Chỉ số cải thiện môi trường kinh doanh mà chúng tôi công bố, cao hơn mức trước khủng hoảng COVID-19. Chính phủ Việt Nam đã có một số giải pháp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài. Giấy phép lao động, vốn là một vấn đề đối chúng tôi, nay đã được cải thiện. Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài”.
Tổng Hợp
(VTV, An ninh tiền tệ)