Hai ngân hàng vừa có động thái giảm lãi suất huy động tháng 11 và VIB và VPBank. Sau nhiều ngày bất động, lãi suất tiền gửi ngân hàng tiếp tục giảm.
Trước đó, từ 1 – 4/11, không có thêm ngân hàng nào điều chỉnh lãi suất huy động sau Sacombank. Đây là ần đầu tiên trong 6 tháng qua, thị trường lãi suất tiền gửi trải qua hai ngày làm việc liên tiếp mà không có ngân hàng nào điều chỉnh lãi suất huy động.
Hai ngân hàng vừa có động thái giảm lãi suất huy động tháng 11 và VIB và VPBank.
Theo đó, VIB công bố biểu lãi suất huy động mới, tiếp tục giảm ở nhiều kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1 – 3 tháng còn 3,8%/năm, kỳ hạn 3 – 5 tháng cũng giảm xuống 4%/năm. Lãi suất ngân hàng kỳ hạn 6 – 8 tháng còn 5,1%/năm, kỳ hạn 15 – 18 tháng giảm xuống 5,6%/năm.
VPBank cũng vừa điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn dưới 6 tháng. Lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1- 2 tháng được điều chỉnh giảm 0,2 điểm phần trăm, xuống còn 3,7%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 3 – 5 tháng giảm 0,15 điểm phần trăm xuống còn 3,8%/năm.
Lãi suất huy động trực tuyến các kỳ hạn còn lại vẫn được VPBank giữ nguyên. Kỳ hạn 6 – 11 tháng có lãi suất 5%/năm, kỳ hạn 12 – 13 tháng là 5,3%/năm, trong khi lãi suất tiền gửi kỳ hạn 15 – 36 tháng là 5,1%/năm.
Tính từ đầu tháng 11 đến nay, đã có ba ngân hàng giảm lãi suất huy động là Sacombank, VIB và VPBank. Những biến động về lãi suất này được điều chỉnh hầu hết ở các khoản tiền gửi huy động theo hình thức trực tuyến, online.
Lãi suất huy động ngân hàng đã liên tục giảm mạnh và kéo dài, làm cho các chuyên gia và nhà đầu tư tin rằng có khả năng lớn sẽ xuất hiện một làn sóng dịch chuyển dòng tiền vào các lĩnh vực khác. Ước tính có khoảng nửa triệu tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm đã được hưởng lãi suất cao vào hồi cuối năm 2022 và đầu năm nay sẽ sớm đáo hạn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính – ngân hàng phân tích, các ngân hàng hạ lại suất huy động là do thời gian qua họ huy động lãi suất cao đã thu hút hầu hết người dân đổ tiền vào gửi, trong khi các ngân hàng đang ế tiền vì không có người vay.
“Việc các ngân hàng giảm lãi suất huy động theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo dòng tiền của người dân, doanh nghiệp đổ vào thị trường tiêu dùng, sản xuất kinh doanh, kích thích sự phát triển của nền kinh tế”, ông Hiếu phân tích.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, nhìn xung quanh cũng không có kênh đầu tư nào hấp dẫn. Chẳng hạn như chứng khoán có thời điểm lên đến hơn 1.200 điểm, nhưng bây giờ xuống gần 1.100 điểm và rất nhiều biến động trong lúc này. “Thành ra chứng khoán không phải là kênh để đầu tư lúc này. Ngó qua kênh bất động sản thì đây cũng không phải là kênh đầu tư sinh lời hiện nay vì thị trường chưa có sức tiêu thụ. Còn kênh vàng thì lúc lên, lúc xuống và rủi ro lớn vì chênh lệch khá cao so với thế giới. Kênh ngoại tệ có khả năng tăng, nhưng không có sự bảo đảm và người dân không được đầu tư”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Còn TS. Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế cho rằng, việc các ngân hàng giảm lãi suất là có nguyên nhân do Chính phủ muốn người dân không gửi tiết kiệm nhiều, mà kích thích người dân sử dụng tiền để mua sắm, tiêu dùng. “Tôi nghĩ Chính phủ muốn kích thích tăng trưởng và có động lực tăng trưởng đầu tư công, thúc đẩy động lực tiêu dùng và đây là biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng”, ông Doanh nói.
Về việc người dân có dịch chuyển xu hướng đầu tư sang chứng khoán, bất động sản, vàng, ngoại tệ hay không, ông Doanh cho rằng, ở thời điểm này việc đầu tư vào các kênh này không có lợi, thậm chí rất rủi ro.
Tổng Hợp
(VTC, Công Thương)