Đó là những gì đang đè nặng tâm lý các khách hàng đã và đang mua nhà theo kiểu đặt cọc trước để chủ đầu tư xây dựng (hay còn gọi là mua nhà ở hình thành trong tương lai). “Tiền trao nhưng cháo chưa múc”, rủi ro lớn nếu gặp chủ đầu tư kinh doanh kiểu chụp giật…
Đây cũng là những người hiện rất quan tâm đến vấn đề sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản với hy vọng sẽ có thêm quy định pháp lý bảo vệ quyền lợi của họ.
Thực tế, khi mua một sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai, khách hàng luôn là người bị động, thường chỉ biết thông tin về dự án qua các nội dung quảng cáo và rất khó biết dự án đó đã đầy đủ hồ sơ pháp lý hay chưa. Do vậy, khi dự án chậm triển khai, không ra được sổ hồng, những khách hàng này mới “ngã ngửa”, bởi chủ đầu tư bán hàng theo kiểu “cầm đèn chạy trước ô tô”.
Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, việc chủ đầu tư huy động vốn từ người mua ngay khi dự án chưa đủ điều kiện pháp lý là những bất cập, tồn tại trên thị trường bất động sản.
Trong đó, còn xuất hiện tình trạng chủ đầu tư thế chấp bất động sản trong dự án tại tổ chức tín dụng và dù chưa giải chấp, nhưng vẫn tiến hành huy động vốn theo hình thức hợp đồng đầu tư góp vốn.
Cũng cần phải nhắc lại, bản chất việc mua bán nhà ở hình thành trong tương lai là cho phép chủ dự án được huy động vốn từ người mua khi dự án đang xây dựng. Và để bảo vệ người mua nhà, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đã dựng ra nhiều “tấm khiên”, trong đó có quy định doanh nghiệp phải có trách nhiệm công khai thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh trên trang thông tin điện tử của đơn vị mình.
Ngoài thông tin cơ bản về vị trí, quy hoạch, quy mô dự án, Luật còn yêu cầu chủ đầu tư công khai hồ sơ, giấy tờ về quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất và những giấy tờ liên quan đến việc đầu tư xây dựng bất động sản; hợp đồng bảo lãnh, văn bản cho phép bán, cho thuê mua của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai… Song, do “tấm khiên” này chưa đủ dày, nên một số doanh nghiệp dễ dàng xuyên thủng, thậm chí “quên” luôn quy định nói trên, nên phần lớn thông tin về dự án thường chỉ tập trung vào quảng cáo, rất ít khi chủ đầu tư cho đăng thông tin về tình trạng pháp lý. Hệ lụy được Bộ Xây dựng chỉ ra là, chủ dự án không thể hoàn tất thủ tục mua bán, không bàn giao được giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở cho người mua…
Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đang được các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV cho ý kiến, đã đưa ra nhiều quy định mới khi yêu cầu chủ đầu tư phải công bố toàn bộ thông tin về pháp lý của dự án. Đây cũng là điều kiện cần, bắt buộc đối với doanh nghiệp nếu muốn dự án đủ điều kiện kinh doanh.
Đáng nói là, ngoài trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, Dự thảo yêu cầu chủ đầu tư phải công khai dự án trên hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản. Hệ thống này đang được Bộ Xây dựng chạy thử nghiệm, được xây dựng thống nhất trên toàn quốc nhằm chia sẻ, cung cấp thông tin cơ bản về nhà ở và thị trường bất động sản.
Như vậy, so với quy định hiện hành, cơ quan quản lý nhà nước đã chính thức giữ vai trò là bên quản lý kênh đăng tải thông tin. Sở Xây dựng ở các tỉnh, thành phố cũng dễ dàng giám sát ban đầu nếu doanh nghiệp không thực hiện.
“Tấm khiên” bảo vệ người mua nhà đã dày hơn. Một khi luật quy định chặt chẽ, thực thi nghiêm túc, dễ dàng giám sát, thì sẽ giúp loại bớt những chủ đầu tư làm liều, chụp giật; khách hàng cũng không bị “mù” thông tin, dẫn đến bị lợi dụng, tranh chấp về sau.
Tất nhiên, việc sửa đổi, bổ sung các quy định trong Dự thảo Luật cần đảm bảo hài hòa lợi ích của người mua cũng như doanh nghiệp đầu tư dự án.
Tổng Hợp
(Báo Đầu Tư)