Câu chuyện ‘Đầu tư công’ đang hâm nóng thị trường chứng khoán. Không chỉ các doanh nghiệp niêm yết tiềm năng trở thành chủ đầu tư dự án đầu tư công, các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng, bất động sản khu công nghiệp – dân cư… cũng đang thu hút sự chú ý của không ít nhà đầu tư.
Nguyên nhân dai dẳng của tình trạng này được cho là đến từ việc các dự án liên tục điều chỉnh kế hoạch, cũng như thủ tục pháp lý ngày càng bị siết chặt khiến cho quy trình phê duyệt đã chưa từng được coi là nhanh, giờ lại càng thêm càng kéo dài.
Trong hoàn cảnh như vậy thì cứu cánh bất đắc dĩ “dịch Covid-19” xuất hiện, vô tình dồn ép “Đầu tư công” vào thế buộc phải đẩy mạnh để trở thành công cụ kích thích nền kinh tế khả dĩ nhất, khi các nguồn vốn đầu tư khác của nền kinh tế đều gặp khó khăn từ ảnh hưởng của dịch bệnh.
Chính phủ cũng đã bắt đầu có một số động thải chỉ đạo quyết liệt trước khi kết thúc quý I. Cụ thể, trong chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, “đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư” được coi là một trong những giải pháp cấp bách phải thực hiện ngay lập tức trong các nhóm hành động ứng phó với dịch Covid-19.
Nhấn mạnh hơn, Thủ tướng cũng đã lần lượt liệt kê một loạt các đại dự án đã “treo” nhiều năm cần gấp rút triển khai, bao gồm: Dự án Mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Xây dựng mới Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đường Cao tốc Bắc Nam phía Đông, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, Nhiện điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Long Phú I…
Căn cứ vào chỉ thị này, Thường trực Chính phủ cũng đã phê duyệt đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, qua đó chấp thuận việc chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công thuần túy 3 trên 8 dự án thành phần của Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Cột mốc này phần nào thể hiện quyết tâm của Chính phủ và các Bộ ban ngành trong việc thực hiện tháo gỡ các dự án đầu tư công. Sau năm 2019, còn hơn 100.000 tỷ đồng chưa giải ngân, cùng với 500.000 tỷ đồng kế hoạch 2020 và 20 tỷ USD vốn ODA đã cam kết.
Chỉ cần “tiêu” hết nguồn ngân sách này vào đúng mục đích thì đã là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn do hứng chịu tác động từ dịch Covid-19.
Nhiều nhóm cổ phiếu rục rịch phản ánh kỳ vọng
Những cột mốc quan trọng kể trên cũng đã góp phần hỗ trợ đà tăng của thị trường chứng khoán trong tháng 4, góp phần giúp cho VN-Index có một trong những giai đoạn hồi phục mạnh mẽ nhất lịch sử khi có lúc đã tăng hơn 23% kể từ vùng đáy 650 điểm.
Nếu các dự án đầu tư công quan trọng sớm đi vào triển khai, nhiều nhóm cổ phiếu sẽ được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp vào hoạt động kinh doanh, trở thành câu chuyện đầu tư quan trọng trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp có thể trở thành chủ đầu tư trong các dự án kể trên sẽ là những cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong làn sóng này.
Trên sàn chứng khoán, ACV có lẽ là cái tên nổi bật hơn cả. Dù vậy, nhu cầu vốn của các dự án đang được kỳ vọng giao cho ACV như xây mới sân bay Long Thành, mở rộng nhà ga Tân Sơn Nhất và Nội Bài… đang là gánh nặng lớn đối với doanh nghiệp này.
Tính riêng sân bay Long Thành, đại diện ACV cũng đã cho biết phải dành riêng 70 nghìn – 80 nghìn tỷ đồng, cùng với thỏa thuận trước tổng giá trị khoản vay 4 tỷ USD với các đối tác nước ngoài, nhưng tạm thời vẫn chỉ đạt mức một nửa so với con số 16 tỷ USD dự kiến cho đại dự án tầm cỡ nói trên.
Tiềm năng của Long Thành là điều không thể bàn cãi, nhưng thời gian hoàn vốn và hiệu quả thực tế chắc chắn không xảy ra ngay lập tức mà cần thời gian đầu tư khá dài khi xem xét nắm giữ cổ phiếu ACV dựa trên kỳ vọng vào đầu tư công.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu được hưởng lợi sớm và nhanh nhất có thể chính là các doanh nghiệp “thượng nguồn”, chủ yếu là các đơn vị xây dựng và cung cấp vật liệu xây dựng.
Cụ thể, nhóm xây dựng hạ tầng sẽ là các đơn vị cần chú trọng, thay vì các cổ phiếu xây dựng dân dụng chủ yếu trông chờ vào hiệu ứng gián tiếp từ ngành Bất động sản.
Nhóm Vật liệu xây dựng có nhiều yếu tố đặc thù hơn. Các doanh nghiệp thép (HPG), khai thác đá (CTI, KSB, NNC, DHA,…) hay xi măng (HT1, BCC…), Nhựa đường (PLC) còn phụ thuộc vào vị trí địa lý của các dự án được triển khai, năng lực của doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm, giá chào thầu và nhiều yếu tố khác.
Đơn cử như việc chi phí vận chuyển cao, cùng với các yêu cầu về tính linh động khiến cho các dự án sẽ ưu tiên huy động nguyên vật liệu từ khu vực xung quanh.
Công ty chứng khoán VNDirect cũng đã có những ước tính đầu tiên về nhu cầu huy động nguyên vật liệu từ các dự án này. Với kịch bản cơ sở là 40% vốn đầu tư công sẽ được giải ngân tại 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, việc xây dựng sẽ cần đến khoảng 8.900 tỷ đồng nhựa đường, 7.600 tỷ đồng thép xây dựng và 3.800 tỷ đồng xi măng.
Hưởng lợi mạnh mẽ nhất là nhu cầu đá xây dựng khi nhu cầu các dự án này tương đương với khoảng 30 – 35% công suất khai thác được cấp phép của các doanh nghiệp khai thác trong khu vực.
Đẩy mạnh đầu tư công sẽ giúp nhiều nhóm ngành hưởng lợi. Nguồn biểu đồ: VNDirect
Bên cạnh những tác động nhãn tiền, các dự án đầu tư công mang lại bộ mặt hạ tầng mới cho khu vực, kích thích kinh tế địa phương và giúp cho nhiều ngành nghề hưởng lợi gián tiếp về dài hạn. Điển hình là các doanh nghiệp Bất động sản đã tích lũy được quỹ đất trong khu vực kết nối với dự án đầu tư công.
Nhiều doanh nghiệp đã sớm đón đầu xu hướng và có nhiều dự án khu công nghiệp – dân cư quanh khu vực sân bay Long Thành cũng như xung quanh các tuyến cao tốc kết nối như DIG, DXG, SIP, LCG, BCM, NVL, LHG, IDC…
Tuy nhiên, để đánh giá chính xác hơn về tiềm năng dài hạn, cần đi cùng với nhìn nhận nhu cầu thực của khu vực thể hiện qua thu hút vốn đầu tư cũng như tốc độ đô thị hóa. Nhiều khu vực kể trên đã xảy ra tình trạng sốt đất cục bộ do làn sóng đầu cơ đẩy giá trong một vài năm qua khi thông tin về các dự án này được công bố, trong khi nhu cầu để ở thực chất chưa theo kịp.
Tạm thời vẫn chỉ dừng ở mức kỳ vọng
Mặc dù động lực và quyết tâm triển khai các dự án đầu tư công đã sớm thể hiện, nhưng điểm mấu chốt để làm cho tiến trình này thuận lợi là các vướng mắc về thủ tục, pháp lý, giải phóng mặt bằng hầu như chưa có quá nhiều đổi mới. Vì vậy, trước khi các dự án thực sự được triển khai thì rủi ro này vẫn luôn hiện hữu cho câu chuyện đầu tư nói trên.
Đồng thời, nhiều chuyên gia cũng đang bỏ ngỏ khả năng ngân sách sẽ trở nên hạn hẹp sau dịch do phát sinh chi tiêu ứng phó dịch bệnh cũng như nguồn thu từ thuế giảm đi, khiến cho việc đẩy mạnh đầu tư công ngay trong thời điểm này cũng hàm chứa phần nào rủi ro cho nền kinh tế.
Trên góc độ đầu tư chứng khoán, cũng cần phải nhìn nhận rằng, một số cổ phiếu sẽ được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công cũng nhanh chóng phản ứng mạnh trước các thông tin tích cực. Chưa có bất kỳ doanh thu, lợi nhuận nào thực sự được nhận, nhưng kỳ vọng đã sớm đi trước, sẽ tạo ra rủi ro không nhỏ khi xem xét tham gia vị thế mới vào các cổ phiếu này.
Nhìn chung, trong bối cảnh rất nhiều khó khăn đang chờ đợi, những động thái thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ đã thắp lên hy vọng mới cho nền kinh tế và là yếu tố hỗ trợ niềm tin của thị trường chứng khoán.
Nếu quá trình này thuận lợi trong tương lai gần, đây sẽ là câu chuyện đầu tư hấp dẫn cho nhiều cổ phiếu ở nhiều ngành nghề, gián tiếp giúp cho thị trường chung bình ổn hơn sau khi đã hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh.