Tỷ lệ nợ xấu gia tăng của các ngân hàng trong quý III phản ánh chân thực nhất về những khó khăn trong nền kinh tế. Khủng hoảng nợ tại các doanh nghiệp là nguyên nhân khiến nợ xấu của hệ thống ngân hàng gia tăng…
Nợ xấu đang tiếp tục gia tăng, nguyên nhân lớn nhất được cho là do khó khăn của các doanh nghiệp. Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư Ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam phân tích, hiện khó khăn của doanh nghiệp đến từ rất nhiều phía, khó khăn từ thị trường thế giới và trong nước.
Trong đó có yếu tố xuất phát từ đại dịch COVID-19 và các cuộc xung đột Nga – Ukraine hay gần đây là xung đột tại Trung Đông đẩy phí nguyên liệu lên rất cao, làm tăng chi phí của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, sau đại dịch sức cầu chung của thế giới cũng như sức cầu của việt Nam rất yếu bởi doanh nghiệp suy yếu, thu nhập của người dân cũng giảm. Điều này đang tạo ra môi trường hết sức khó khăn không chỉ với các doanh nghiệp trong nước mà còn với các doanh nghiệp nước ngoài.
“Đại dịch kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng đứt gãy, ngưng trệ dẫn đến tình trạng dòng tiền của doanh nghiệp bị cạn kiệt dần. Thông thường, sau đại dịch kéo dài sẽ là khủng hoảng nợ, đây cũng là nguyên nhân khiến nợ xấu của hệ thống ngân hàng gia tăng”, ông Quỳnh cho biết.
Để xử lý tình trạng trên, Tổng thư ký Hiệp hội Trái phiếu đề xuất cần có các cơ chế, chính sách phân loại đánh giá đúng đối với các loại hình doanh nghiệp để có chính sách hỗ trợ kịp thời.
Nếu không có những chính sách hỗ trợ phù hợp thì không chỉ các doanh nghiệp yếu mà ngay cả cá doanh nghiệp tốt cũng rơi vào tình trạng khó khăn, ông Quỳnh cho biết.
Đồng quan điểm nợ xấu ngân hàng gia tăng xuất phát từ bối cảnh khó khăn của nền kinh tế và các doanh nghiệp, chuyên gia Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng lại cho rằng, đây là điều tất yếu bởi chu kỳ kinh tế đang đi xuống.
Sự suy thoái của một số ngành hàng sản xuất công nghiệp, xuất khẩu hay những “cơn gió ngược” từ thị trường quốc tế là những yếu tố khiến doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn.
Theo thống kê, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng tăng 52% trong quý III, trong đó một số ngân hàng thương mại thậm chí gia tăng tỷ lệ nợ xấu gấp 2 đến 3 lần gây lo ngại rủi ro của nền kinh tế.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cập nhật đến tháng 7/2023 cho thấy tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 3,56%, cao hơn mức 2% cuối năm 2022 và mức 1,69% cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty TNHH Một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức 6,16% so với tổng dư nợ.
Phát biểu tại một sự kiện mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết công tác xử lý nợ xấu vẫn gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp đang chịu tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài làm suy giảm khả năng trả nợ. Khuôn khổ pháp lý liên quan đến cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu chưa được hoàn thiện, thiếu các cơ chế và chính sách ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu.
Đáng chú ý, Thống đốc cho biết thị trường bất động sản tiếp tục tình trạng thanh khoản thấp, gây khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm. Tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước (tháng 7/2022 là 1,8%, tháng 7/2023 là 2,58%).
Tổng Hợp
(ĐTCK)