Thống kê của World Bank, khoảng 70% dân số Việt Nam chưa tiếp cận được vốn ngân hàng. Cần mở rộng kênh cho vay chính thống…
Số doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức cũng chỉ mới chiếm 1/3 tổng số doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, những người tìm đến tín dụng đen phần nhiều đều trong hoàn cảnh bế tắc, công việc bấp bênh, đa số không có bảo hiểm y tế. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức gặp khó khăn về nguồn vốn kinh doanh, do đó phải tìm đến vay vốn tại các cơ sở tín dụng đen, các điểm cho vay nặng lãi.
Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/7/2023, dư nợ cho vay phục vụ đời sống đạt 2,6 triệu tỷ đồng, tăng 2,93% so với cuối năm 2022, chiếm 21,31% dư nợ nền kinh tế. Nếu so sánh với mức tăng 22% của cả năm 2022, thì con số 2,93% của 7 tháng đầu năm nay là quá khiêm tốn.
FiinGroup đánh giá thị trường tài chính tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sinh hoạt và tiêu dùng của người dân, đặc biệt là nhóm khách hàng yếu thế, không thể tiếp cận được vốn vay từ các ngân hàng thương mại. Đây cũng là một thị trường có tiềm năng tiếp tục tăng trưởng tốt trong tương lai khi quy mô dư nợ vay tiêu dùng của Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 27,17% GDP so với tỷ lệ trung bình từ 60-70% GDP tại các quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Malaysia…
Ngoài ra, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia châu Á có thị trường tài chính tiêu dùng giàu tiềm năng với dân số 100 triệu người, độ tuổi trung bình trẻ (33,7 tuổi) cùng với sự phát triển kinh tế ổn định, mức tiêu dùng của người dân ngày càng tăng.
Tại Hội thảo “Gỡ khó cho vay tiêu dùng – Đẩy lùi tín dụng đen”, chuyên gia kinh tế – TS Cấn Văn Lực cho biết, cho vay tiêu dùng hiện đang được thực hiện qua ba kênh chính thức là cho vay qua các ngân hàng thương mại, cho vay qua các công ty tài chính và cho vay qua một số tổ chức tín dụng khác. Tuy nhiên, ở mỗi phân khúc sẽ có đối tượng và mục tiêu cho vay khác nhau. Một trong những nguyên nhân chính khiến nợ xấu cho vay tiêu dùng ở mức cao xuất phát từ câu chuyện nhận thức “dễ vay, dễ bùng nợ”. Theo ông Lực, mức lãi suất và các khoản phí cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tối đa từ 20-25%/năm là phù hợp. Dù đây là mức cao gấp đôi ngân hàng nhưng trên thực tế, theo khảo sát cũng khó có công ty tài chính nào “chịu” áp mức này.
Theo chia sẻ của những người dân có nhu cầu, lí do họ vẫn muốn tiếp cận vốn vay ngân hàng thì lí do vẫn bởi lãi suất tín dụng của các công ty tài chính hiện vẫn rất cao, chức kể điều khoản vay dễ nhưng cách đòi nợ thì rất xã hội đen khiến nhiều người khiếp sợ.
Bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng Ban quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: “Gói vay cho công nhân với 7.000 tỷ đồng được giải ngân, chỉ có 300 tỷ là vay đúng, nghĩa là vay ưu đãi 15 – 25%/năm. Còn lại 6.700 tỷ là vay với mức lãi suất theo quy định khách bình thường của hai công ty tài chính khoảng 25%/năm. Đây là một mức cao so với thu nhập của bộ phận công nhân”.
Còn bà Nguyễn Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế – Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh giải pháp cần nâng cao trách nhiệm của người dân “đã đi vay là phải có ý thức trả nợ”. Bà Tùng cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, khuyến khích các tổ chức tín dụng tăng cường các biện pháp xác thực khách hàng vay vốn để tránh rủi ro và thu hồi nợ tốt hơn.
Tổng Hợp
(Tiền Phong)