Ngân hàng đang phải bỏ ra ngày càng nhiều chi phí để dự phòng rủi ro tín dụng trong bối cảnh nợ xấu tăng lên. Những khoản chi phí này đã ăn mòn trực tiếp tới lợi nhuận của các nhà băng.
2023 là một năm đầy thách thức với ngành ngân hàng khi điều kiện trong nước và quốc tế đã khiến hoạt động kinh doanh, tiêu dùng sụt giảm, tăng trưởng tín dụng khó khăn trong khi chất lượng tài sản tiếp tục suy giảm.
Tình trạng “thừa tiền” khiến ngân hàng khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng vay vốn, trong khi số dư tiền gửi vẫn tiếp tục tăng tạo thêm áp lực trả lãi. Nhiều ngân hàng đã ghi nhận thu nhập lãi thuần, mảng kinh doanh cốt lõi, tăng trưởng âm trong quý III hoặc cả 9 tháng đầu năm.
Đồng thời, ngân hàng đang phải bỏ ra ngày càng nhiều chi phí để dự phòng rủi ro tín dụng trong bối cảnh nợ xấu tăng lên. Những khoản chi phí này đã ăn mòn trực tiếp tới lợi nhuận của các nhà băng.
Những khó khăn trên đã ảnh hưởng lớn tới khả năng thực hiện kế hoạch lợi nhuận của các ngân hàng. Sau 2/3 chặng đường của năm, mới có 12/28 ngân hàng đạt trên 70% kế hoạch lợi nhuận trước thuế trong năm 2023.
Xét chung 28 nhà băng đã báo cáo kết quả kinh doanh, tổng lợi nhuận trước thuế mới đạt gần 187.500 tỷ đồng, tương đương thực hiện 68% kế hoạch năm. Trong số đó, có 5 tổ chức đã thực hiện được từ 80% trở lên kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Kienlongbank đang tạm dẫn đầu khi đã thực hiện được 91,3% mục tiêu. Ngoài ra HDBank, MSB, Saigonbank và SHB cũng là những cái tên có khả năng cao sẽ cán đích trong năm 2023.
Trong năm 2023, Vietcombank, quán quân lợi nhuận ngành ngân hàng, đã đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế ít nhất 15%, ứng với 42.973 tỷ đồng. Tính tới cuối quý III, nhà băng này đã thực hiện được 68,8% kế hoạch, tương đương lợi nhuận trước thuế 29.550 tỷ đồng.
Trong quý IV/2023, Vietcombank phải có lợi nhuận trước thuế ít nhất 13.423 tỷ đồng, mức cao thứ hai trong lịch sử ngành ngân hàng, nếu muốn hoàn thành kế hoạch đã đề ra.
Ngoài Vietcombank, các ngân hàng trong Top 10 lợi nhuận trước thuế như MB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB, HDBank, SHB đều đang đi đúng tiến độ, thực hiện khoảng 75% kế hoạch trở lên. Trong đó, HDBank đang gần với mục tiêu nhất khi đã kiếm được 8.631 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong ba quý đầu năm, tương ứng 84,1% kế hoạch.
Ngược lại, sau 9 tháng, VPBank mới chỉ thực hiện được 34,5% kế hoạch. Đầu năm nay, đại hội đồng cổ đông ngân hàng đã đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 24.000 tỷ đồng lợi nhuận, cao thứ ba toàn ngành. Năm ngoái, VPBank từng thu về 21.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
VIB đạt lợi nhuận trước thuế 8.325 tỷ đồng trong ba quý đầu năm, thực hiện 68,2% kế hoạch. Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư gần đây, lãnh đạo ngân hàng đã ước tính lợi nhuận cả năm 2023 sẽ đạt khoảng 11.000 tỷ đồng trở lên trong khi kế hoạch cả năm đề ra trước đó là 12.200 tỷ.
Trong 28 ngân hàng thống kê, có tới 8 tổ chức có lợi nhuận chưa vượt qua mốc 50% kế hoạch năm. Trong đó Bản Việt (BVBank) mới thực hiện 12,2% kế hoạch cả năm với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 61 tỷ đồng. ABBank cũng mới thực hiện được 23,2% kế hoạch cả năm khi lãi trước thuế ở mức 656 tỷ đồng trong 9 tháng.
Ngoài ra, NCB vẫn đang thua lỗ 231 tỷ đồng. Ngân hàng đã đặt ra mục tiêu lợi nhuận trước trích lập theo phương án cơ cấu lại (PACCL) là 16 tỷ đồng, thấp nhất toàn ngành.
Trong cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý IV/2023 do Ngân hàng Nhà nước thực hiện, các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục đánh giá tình hình kinh doanh và lợi nhuận của hệ thống ngân hàng trong quý III chưa có sự cải thiện như kỳ vọng trong đợt điều tra trước.
Các TCTD tiếp tục thu hẹp kỳ vọng về tình hình kinh doanh và lợi nhuận trong thời gian tới. Từ 66,7% đến 72,1% TCTD cho rằng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý IV và cả năm 2023 (thấp hơn tỷ lệ của kỳ trước).
82,6% TCTD dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2023 tăng trưởng dương so với năm 2022, 13,8% lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm và 3,7% ước tính lợi nhuận không thay đổi.
Tổng Hợp
(VietnamBiz)