Lãi suất giảm sâu, chứng khoán liên tục ‘đỏ sàn’ và dòng tiền thật sự đang chuyển hướng qua đâu.
Giảm 4 lần lãi suất điều hành liên tiếp cho thấy Ngân hàng Nhà nước đang có xu hướng kích thích tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ cho các doanh nghiệp và nền kinh tế. Theo đó, các ngân hàng thương mại đưa lãi suất về mức “chạm đáy” trong vòng 3 năm.
Hiện lãi suất vẫn tiếp tục giảm sâu, nhóm ngân hàng có vốn nhà nước niêm yết mức lãi suất huy động thấp nhất thị trường. Trong đó, Vietcombank đầu tuần này vừa giảm thêm 0,2%, còn 5,1%/năm áp dụng với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Ba ngân hàng có vốn nhà nước chi phối là Agribank, VietinBank, BIDV vẫn giữ ổn định lãi suất huy động. Theo đó, mức huy động cao nhất là 5,3%/năm cho kỳ hạn dài trên 12 tháng. Các kỳ hạn trên 6 tháng đến dưới 12 tháng, lãi suất tiền gửi là 4,3%/năm, kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng là 3-3,3%/năm.
Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, lãi suất huy động cao nhất dao động quanh mức 5,3 – 5,7%/năm tùy theo ngân hàng và thời gian gửi.
Lãi suất huy động và cho vay đều giảm, đáng lẽ sẽ gián tiếp kích thích dòng tiền tìm đến một số kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán.
Thế nhưng, thị trường chứng khoán phản ứng ngược lại khi liên tục giảm điểm. Đỉnh điểm là ngày 26/10, chứng khoán Việt Nam trải qua phiên giao dịch “đáng quên” khi áp lực bán trên diện rộng xuất hiện ngay từ phút mở cửa. VN-Index nhanh chóng mất điểm, có thời điểm thủng mốc 1.050 điểm trước khi hồi phục đôi chút vào cuối phiên.
Anh Nguyễn Khôi Nguyên (nhà đầu tư chứng khoán) nói: “Tôi đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng vào nhóm bất động sản và giá cổ phiếu liên tục giảm. Tính đến ngày 26/10, giá trị cổ phiếu của tôi lỗ 30%. Tôi rất mệt mỏi và đau đầu khi nhìn bảng điện tử. Nhiều chuyên gia dự báo VN – Index sẽ về mốc 1.000 điểm”.
Anh Nguyên cũng như nhiều nhà đầu tư chứng khoán tâm trạng bất an vì thị trường nhiều rủi ro như hiện nay.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố số liệu mới nhất về tiền gửi của người dân và các tổ chức kinh tế. Trong tháng 8, người dân gửi thêm vào hệ thống ngân hàng gần 44.000 tỷ đồng, cao hơn so với mức 6.700 tỷ đồng hồi tháng 7; mức 35.300 tỷ đồng của tháng 6 và 14.700 tỷ đồng của tháng 5. Tính chung 8 tháng, tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt hơn 6,4 triệu tỷ đồng, tăng gần 9,7% so với đầu năm, đây cũng là mức cao nhất từ trước tới nay.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học & Kinh tế ứng dụng phân tích, hiện nay dù lãi suất thấp nhưng người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng bởi các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản không còn hấp dẫn và nhiều rủi ro.
Theo ông Hiển, hiện tình hình kinh tế còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đều gặp khó. Những cổ phiếu vua như doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng cũng đang gặp nhiều vấn đề. Doanh nghiệp bất động sản đối mặt với thanh khoản kém, pháp lý “chưa thông”, còn ngân hàng chịu áp lực bởi nợ xấu gia tăng và không tăng trưởng được tín dụng. Nhóm cổ phiếu này không còn hấp dẫn với nhà đầu tư vì rủi ro cao.
Ông Hiển cho biết thêm, ở các nước phát triển, tỷ lệ người dân tham gia đầu tư chứng khoán rất cao nhưng thông qua các quỹ đầu tư, các tổ chức chuyên nghiệp. Giá trị giao dịch chứng khoán trực tiếp của nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm 20% – 40%, tùy nước. Trong khi đó, ở Việt Nam, giá trị giao dịch của nhà đầu tư cá nhân đang chiếm đến 80% – 90% giá trị giao dịch của thị trường. Đây là tỷ lệ quá cao, là nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán biến động lớn.
Tổng Hợp
(Tiền Phong)