Các doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp có quỹ đất lớn vẫn có triển vọng do nhu cầu đất công nghiệp tăng mạnh sau đại dịch Covid-19.
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung có nhiều biến chuyển khả quan trong giai đoạn nửa cuối năm 2019 khiến dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam chậm lại và làm chậm xu hướng chuyển dịch nhà máy khỏi Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự bùng phát của dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khiến xu hướng chuyển dịch nhà máy ra khỏi Trung Quốc tái khởi động. Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán VNDIRECT, nhu cầu thuê đất tại các khu công nghiệp (KCN) Việt Nam sẽ tăng mạnh sau đại dịch. VNDIRECT cho rằng Việt Nam đã sẵn sàng trở thành một trung tâm sản xuất thay thế nhờ vào vị trí gần Trung Quốc và lực lượng lao động chi phí thấp.
Thực tế, Việt Nam vẫn là vị trí thu hút chuyển dịch công nghiệp từ Trung Quốc nhờ chi phí hoạt động thấp và ưu đãi thuế. So với các quốc gia trong khu vực (Phillippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Myanmar) về mức độ thu hút công nghiệp, Việt Nam vẫn là vị trí tiềm năng cho sự chuyển dịch của các công ty nhờ vào giá thuê đất, tiền nhân công, năng lượng và nhà xưởng thấp.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, diện tích đất của các khu công nghiệp (KCN) của Việt Nam đạt 65.900ha tại thời điểm cuối năm 2019, tăng 1.900ha so với cuối năm 2018. Trong tổng số 330 KCN toàn quốc, có 258 KCN đang hoạt động, tăng từ 250 KCN vào cuối năm 2018. Tỷ lệ lấp đầy trung bình trên toàn quốc đạt 74,3% vào cuối năm 2019, tăng 1,3 điểm % so với cuối năm 2018.
Bên cạnh chi phí hoạt động thấp, Việt Nam đã giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 22% xuống mức 20% vào năm 2016 cho tất cả các công ty trong nước và nước ngoài để tăng cường thu hút sản xuất. Các công ty trong các KCN cũng được hưởng nhiều ưu đãi, như miễn/giảm thuế và miễn thị thực. Ưu đãi thuế cho các công ty trong các KCN bao gồm miễn thuế từ hai đến bốn năm, giảm thuế trong ba đến 15 năm và miễn thuế nhập khẩu.
Cùng với đó, các FTA sẽ là nhân tố chính thúc đẩy phát triển bất động sản KCN trong giai đoạn tiếp theo. Ngày 12/2, Nghị viện châu Âu đã phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định bảo vệ đầu tư EU – Việt Nam (EVIPA), nâng tổng số FTA có hiệu lực tính đến tháng 3/2020 lên 12. Thuế xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam đến liên minh châu Âu sẽ được xóa bỏ ngay khi EVFTA có hiệu lực hoặc trong giai đoạn ngắn sau đó (tối đa là 7 năm).
Doanh nghiệp phát triển KCN có quỹ đất lớn sẽ nắm bắt được nhu cầu của làn sóng dịch chuyển nhà máy
Theo JLL, quỹ đất sẵn sàng cho thuê tại các KCN dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động trong giai đoạn quý II – III/2020 với khoảng 1.890ha, tương đương 4% so với tổng diện tích đất KCN năm 2019. Quỹ đất mới/mở rộng này chủ yếu tại các tỉnh phía Nam, hầu hết ở Bình Dương, vốn sắp hết nguồn cung. Nguồn cung đất KCN vẫn hạn chế trong giai đoạn 2020 – 2021, do đó các công ty có quỹ đất sẵn có lớn sẽ có cơ hội tăng trưởng trong làn sóng dịch chuyển nhà máy tiếp theo.
Ở miền Nam, Bà Rịa – Vũng Tàu đang trở thành điểm nóng công nghiệp kể từ khi hệ thống đường cao tốc mới được đẩy mạnh phát triển, kết nối cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải với TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương. Tại miền Bắc, các KCN tại Hải Dương, Bắc Giang sẽ phát triển nhờ vào đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, giúp thời gian di chuyển từ Hà Nội đến biên giới khu vực Lạng Sơn giảm một tiếng so với trước đây.
VNDIRECT cho rằng các doanh nghiệp phát triển KCN vẫn triển vọng do nhu cầu đất công nghiệp tăng mạnh. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp có đặc điểm khác nhau với từng thách thức và cơ hội riêng biệt.
Dựa trên 2 tiêu chí là (1) sở hữu quỹ đất lớn tại các vị trí đắc địa và (2) có danh mục khách hàng lớn mạnh, VNDIRECT đánh giá các doanh nghiệp như SZC, KBC, PHR, VGC và BCM sẽ có lợi thế lớn để nắm bắt cơ hội từ sự chuyển dịch dòng vốn FDI.
Theo Thanh Hà/Bizlive