Doanh nghiệp vừa và nhỏ không có đủ nguồn vốn đảm bảo thu mua và điều tiết kế hoạch dẫn tới tình trạng bị ép giá do khối lượng lớn cà phê tập trung thu hoạch vào chính vụ được bán ra trong thời gian rất ngắn.
Tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng Doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên tại Đắk Lắk do Ngân hàng Nhà nước tổ chức chiều ngày 20/10/2023, bà Trần Thị Lan Anh, Phó giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, tỉnh Gia Lai cho biết, doanh nghiệp vừa và nhỏ không có đủ nguồn vốn đảm bảo thu mua và điều tiết kế hoạch dẫn tới tình trạng bị ép giá do khối lượng lớn cà phê tập trung thu hoạch vào chính vụ được bán ra trong thời gian rất ngắn.
“Doanh nghiệp cần đảm bảo nguồn vốn để thu mua cà phê cho người nông dân để sản xuất và xuất khẩu cà phê ngay từ đầu niên vụ (1/10 năm nay đến 30/9 năm sau-PV), điều tiết hoạt động kinh doanh cũng như hỗ trợ người nông dân phát triển cà phê theo hướng bền vững”, bà Lan Anh nói.
Cũng theo bà Lan Anh, thực tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải vay vốn theo hình thức thế chấp bằng các bất động sản là chủ yếu. Việc vay vốn bằng thế chấp tài sản đang khiến các doanh nghiệp chỉ được vay với số tiền rất hạn chế, trong khi việc thu mua cà phê lại rất khẩn trương vì đây là một mặt hàng nông sản có tính thời vụ cao.
“25 năm trong quan hệ tín dụng ngân hàng, Công ty TNHH Cà phê Vĩnh Hiệp luôn làm tốt vai trò và trách nhiệm trong việc vay vốn tín dụng nhưng đến nay vẫn không thấy sự thay đổi của điều kiện chính sách sản phẩm cấp tín dụng. Vẫn chỉ duy nhất một phương án có tài sản đảm bảo là bất động sản bổ sung thì tăng hạn mức, thật sự là không phù hợp với một doanh nghiệp hoạt động vay vốn sản xuất kinh doanh xuất khẩu”, bà Lan Anh nói.
Đại diện Công ty TNHH Cà phê Vĩnh Hiệp kiến nghị ngân hàng có chính sách cấp tín dụng theo từng ngành hàng, đặc biệt là ngành nông sản xuất khẩu trong đó có cà phê. Ngân hàng xem xét triển khai áp dụng các sản phẩm vay vốn, dựa vào phương án sản xuất kinh doanh gồm: hợp đồng, quyền phải thu, dòng tiền, hàng hoá, để doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động về vốn…
Còn bà Huỳnh Thị Ngọc Trâm, Giám đốc Công ty TNHH JFT Việt Nam, tỉnh Lâm Đồng cho biết, một số doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đang khó tiếp cận vốn tín dụng vì thực tế năng lực, khả năng tài chính, khả năng đảm bảo vay và trả nợ thấp… Hiện nay, có những doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh được các điều kiện có thể trả nợ được. Doanh nghiệp vẫn có nhu cầu vay nhưng lại rất ít khi yêu cầu được hưởng mức hỗ trợ lãi suất từ các chương trình/ gói tín dụng.
Nguyên nhân được bà Ngọc Trâm cho biết là doanh nghiệp sợ gặp phải một số rủi ro pháp lý. Cũng có thể có một số lý do khác như nếu thực hiện đủ các thủ tục để được vay vốn thì tính kịp thời không đáp ứng được, cơ hội kinh doanh đã đi qua. Hoặc là, sau khi “đo đếm thiệt hơn” từ công sức bỏ ra để làm thủ tục, thuyết phục ngân hàng cho vay; rồi chuyện hậu kiểm của ngành chức năng cho nên họ không muốn tiếp cận…
Còn bà Vũ Thị Hưởng, Kế toán trưởng, Đại diện chi nhánh Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Công ty Cà phê Đắk Uy, tỉnh Kon Tum cho biết, năm 2019 thực hiện chỉ đạo của NHNN, cho vay tái canh cà phê chuyển sang áp dụng cơ chế vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55. Vì vậy, trong thời gian tới đề nghị NHNN tiếp tục đưa ra các chính sách ưu đãi lãi suất đối với chương trình tái canh cà phê, giúp Công ty có thể tiếp cận được nguồn vốn dài hạn với mức lãi suất thấp, đảm bảo cho Công ty hoàn thành tái canh vườn cây cà phê, cây cao su mang lại năng suất ổn định và đảm bảo nguồn vốn trả nợ Ngân hàng.
Tổng Hợp
(ĐTCK)