Bán xong dự án cuối cùng, bầu Đức chính thức đoạn tuyệt với bất động sản.
Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán: HAG) vừa công bố tình hình kinh doanh tháng 9. Theo đó, công ty có ghi nhận doanh thu từ việc thanh lý tài sản với giá trị 180 tỷ đồng.
Khoản thu này được cho đến từ việc công ty rao bán khách sạn HAGL trước đó để trả một phần nợ trái phiếu HAGL được phát hành năm 2016 cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Theo đó, HAGL còn dư nợ trái phiếu tại BIDV là 5.271 tỷ đồng, không đổi so với đầu năm. Tại ngày 30/6, HAGL chưa thanh toán lãi vay phải trả cho kỳ đến hạn thanh toán với tổng giá trị hơn 2,6 tỷ đồng.
Khách sạn HAGL hoạt động từ tháng 12/2005, gồm 117 phòng ngủ, là công trình đạt tiêu chuẩn 4 sao đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên. Sở hữu vị trí đắc địa, ngay Quảng trường Phù Đổng – trung tâm thành phố Pleiku, cạnh ngã tư Hùng Vương – QL19 – Nguyễn Tất Thành – Trường Chinh nhưng tài sản này không sinh lời, theo HAGL.
Khách sạn HAGL là tài sản bất động sản cuối cùng của bầu Đức, sau giai đoạn công ty mở rộng, phát triển nhiều dự án tại TPHCM, thậm chí mở rộng ra Myanmar. Tuy nhiên khi kinh tế khủng hoảng, HAGL đã “bán tháo” một số dự án tại TPHCM với mức giá không tưởng như Hoàng Anh River View (quận 2), Phú Hoàng Anh (huyện Nhà Bè) và bán luôn dự án khách sạn tại Myanmar.
HAGL báo cáo tháng 9, doanh thu thuần đạt 679 tỷ đồng, trong đó cây ăn trái 375 tỷ đồng, ngành chăn nuôi 196 tỷ đồng. Công ty đã bán ra gần 38.500 tấn chuối và hơn 34.900 con heo thịt. Lợi nhuận sau thuế quý III đạt 324 tỷ đồng (giảm 10% cùng kỳ) và lũy kế 9 tháng đạt 710 tỷ đồng.
HAGL cũng thông tin theo chu kỳ hàng năm, dự kiến doanh thu và sản lượng chuối sẽ tăng mạnh vào quý cuối năm.
. Doanh nghiệp này tiền thân là một phân xưởng nhỏ sản xuất đồ gỗ tại Gia Lai từ năm 1990, sau đó được thành lập thành Xí nghiệp tư nhân HAGL vào năm 1993.
Giai đoạn 2002-2012, công ty niêm yết cổ phiếu ở Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE), chọn bất động sản là ngành chủ lực bên cạnh mảng kinh doanh khác là thủy điện. Công ty này cũng làm chủ nhiều dự án bất động sản ở TPHCM, dự án khách sạn du lịch ở Đà Nẵng, Bình Định…, thậm chí ở Myanmar.
Năm 2008-2009, bầu Đức trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Ông cũng là cá nhân đầu tiên tại Việt Nam mua máy bay riêng. Đến năm 2010, ông bị ông Phạm Nhật Vượng “soán ngôi” giàu nhất trên sàn chứng khoán.
Vào cuối năm 2008, kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, Việt Nam cũng chìm vào vòng xoáy. Hoàng Anh Gia Lai đã “bán tháo” một số dự án tại TPHCM với mức giá không tưởng như Hoàng Anh River View (quận 2), Phú Hoàng Anh (huyện Nhà Bè).
Đến năm 2019, công ty bán hết cổ phần công ty HAGL Land (quản lý bất động sản), trong đó có dự án ở Myanmar. Công ty rút khỏi mảng bất động sản và cũng thanh lý luôn 2 doanh nghiệp thủy điện tại Lào.
Sau khi rút khỏi bất động sản, thủy điện, doanh nghiệp của Bầu Đức chọn gắn bó với nông nghiệp, trồng cây ăn trái, nuôi heo. Đến nay, công ty này chọn mô hình “2 cây, 1 con” là trồng chuối – sầu riêng và nuôi heo.
Tổng Hợp
(Dân Trí)