Giao dịch đất nền nhiều nơi chủ yếu là cắt lỗ, giá giảm 20 – 30% so với đỉnh sốt. Giá đất nền tại các tỉnh, thành từng xảy ra sốt ảo đang có xu hướng đi ngang…
Theo dữ liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), trong quý III vừa qua, phân khúc đất nền tại khu vực Trung du và miền núi phía Bắc ghi nhận 5 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường 230 sản phẩm, giảm 25% so với quý II. Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt 10%, tương đương với 23 nền được giao dịch thành công. Các dự án mở bán chỉ có tại Bắc Giang, Hòa Bình, Phú Thọ.
Phú Thọ đứng đầu về nguồn cung đất nền mở bán toàn khu vực với 100 sản phẩm, tiếp theo sau là Hòa Bình với 90 sản phẩm. Lạng Sơn, Lào Cai, Vĩnh Phúc không ghi nhận nguồn cung mở bán mới.
Về mặt bằng giá sơ cấp, toàn khu vực duy trì ở mức ổn định so với quý II/2023, trung bình 25,6 triệu đồng/m2. Tình hình mua bán đất thổ cư, đất trong dân tương đối trầm lắng. Giá đất nền tại các tỉnh, thành từng xảy ra sốt ảo như Hòa Bình, Thái Nguyên có xu hướng đi ngang sau khi trải qua những đợt điều chỉnh giảm tương xứng với giá trị mang lại trong các quý trước.
Giao dịch đất nền đấu giá khu dân cư có giá trị khoảng 1 – 2 tỷ đồng/nền, ở Bắc Giang, Vĩnh Phúc, thấp hơn 30 – 40% so với giai đoạn trước, thanh khoản khá tốt.
Tại khu vực Tây Nguyên, tiêu biểu là Lâm Đồng, dữ liệu của VARs cho biết, lượng giao dịch bất động sản tại địa phương này trong quý III/2023 đã quay trở lại nhưng vẫn giảm hơn 70% so với cùng kỳ năm trước. Chủ yếu là giao dịch cắt lỗ, khoảng 30% so với đỉnh sốt. Cụ thể, tỉnh ghi nhận hơn 2.500 giao dịch đất nền trong quý III.
Trong đó, đất nông nghiệp, đất vườn được rao bán rầm rộ với mức giá giảm 20 – 50% tùy loại hình và vị trí nhưng vẫn khó bán.
Tại Khánh Hòa, đơn vị này cho biết, khu vực trung tâm thành phố Nha Trang, đất nền các khu đô thị ghi nhận giao dịch mua bán ở các lô đất giá trị dưới 2,5 tỷ đồng/lô, giảm 20 – 30% so với đỉnh sốt bởi nhà đầu tư cắt lỗ do gặp áp lực tài chính. Đất nông nghiệp ở các khu vực ven thành phố Nha Trang cũng ghi nhận giao dịch kém, mức giá giảm khoảng 20% so với đỉnh.
Năm 2014, thị trường bất động sản bước vào chu kỳ “tan băng” sau 5 năm ròng rã chống chịu với làn sóng “cắt lỗ”, “thoát hàng” (2008 – 2013). Phân khúc đất nền, sau khi giảm giá tiệm cận với giá chung cư thời đó liền từng bước chạm đến “ngôi vương” hút khách của thị trường bất động sản.
Sự ra đời của Thông tư liên tịch số 20/2013/TTLT-BXD-BNV đã đem đến một cú hích lớn cho phân khúc đất nền, khi cho phép chủ đầu tư phân lô bán nền khi hoàn thành xong hạ tầng và khách hàng được cấp sổ đỏ ngay khi mua nền. Từ đó, họ có thể chuyển nhượng, mua bán trên thị trường thứ cấp hoặc cầm cố ngân hàng, xin giấy phép xây dựng dễ dàng.
Theo số liệu từ Savills Việt Nam, từ quý I/2014, lượng giao dịch đất nền đã tăng 31% so với quý trước và tăng 322% so với năm 2013. Thời điểm đó, những dự án bán đất liền kề được chủ đầu tư tung ra thị trường với mức giá từ 20 – 30 triệu đồng/m2 đã khiến nhiều người mua và nhà đầu tư ngay lập tức “quay lưng” với ý định mua chung cư ban đầu.
đất nền TP.HCM và các tỉnh thành lân cận 2 thành phố lớn như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hưng Yên cũng sốt chẳng kém. Ví dụ, theo Batdongsan.com, trong vòng nửa năm từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2018, đất nền quận Tân Phú (TP.HCM) tăng 20 – 30%, đạt ngưỡng 60 – 80 triệu đồng/m2. Tại phía Đông TP.HCM, đất tại phường Phú Hữu (Quận 9) đã tăng từ 18 triệu đồng/m2 lên 28 triệu đồng/m2. Giá đất tại các tuyến đường Trần Não, Song Hành… (Quận 2), cũng vào khoảng 70-90 triệu đồng/m2, tăng khoảng 10 triệu/m2 so với cuối 2017. Đất nông nghiệp Củ Chi cũng tăng giá gấp rưỡi, gấp đôi, phần nhiều là do mua đi bán lại.
Người người mua đất, nhà nhà mua đất. Người ta tranh nhau xem những miếng đất “ngon” mà môi giới hết lòng giới thiệu. Nhiều người ví von nghề môi giới bất động sản trở thành “vua của mọi nghề”. Nhiều người cũng chuyển nghề tay ngang làm môi giới kiếm lời, trong đó có giáo viên, nhân viên văn phòng, thậm chí chuyên viên bán bảo hiểm.
Thời đó, hẳn môi giới đã ước ao những ngày hoàng kim sẽ kéo dài mãi.
Tổng Hợp