Việc tăng vốn điều lệ là cần thiết khi vốn nhà băng Việt còn “mỏng”. Khối ngân hàng tư nhân cũng chạy đua tăng vốn.
Theo TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính –ngân hàng, hệ số CAR của các ngân hàng Việt cải thiện chậm và ở mức thấp so khu vực là một trong những thách thức trong năm 2023.
Trong khi các nước trong khu vực đã thực hiện áp dụng Basel III hoặc một phần của Basel III, thì các ngân hàng thương mại Việt Nam mới đang trong giai đoạn triển khai Basel II. Vì thế, việc tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính là hết sức cần thiết đối với các nhà băng.
Vốn điều lệ là một cấu phần chủ yếu để tính toán hệ số an toàn vốn (CAR) và xếp hạng các TCTD. Thống kê từ NHNN, tính đến tháng 5/2023, tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống các TCTD đạt 888.864 tỷ đồng, tăng 1,35% so với cuối năm 2022.
Trong đó, nhóm NHTM nhà nước có tổng vốn điều lệ đạt 190.433 tỷ đồng, tương đương với cuối năm 2022. Nhóm NHTM cổ phần có tổng vốn điều lệ đạt 472.211 tỷ đồng, tăng 0,60% so với thời điểm cuối năm 2022. Nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài, có tổng vốn điều lệ đạt 154.508 tỷ đồng, tăng 5,53% so với cuối năm 2022.
Tính đến tháng 5/2023, hệ số CAR của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN đạt 11,70% (giảm nhẹ so với mức 11,68% vào thời điểm cuối năm 2022). Trong đó, tỷ lệ an toàn vốn Nhóm NHTM nhà nước đạt 9,53% (tăng 0,37% so với cuối năm 2022); nhóm NHTM cổ phần đạt 11,90% (giảm 0,11%); nhóm ngân hàng nước ngoài đạt 21,21% (tăng 2,05%).
Với hệ số CAR của nhiều ngân hàng vẫn đang ở mức thấp, dù các NHTM đã tích cực tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính nhưng so với các ngân hàng trong khu vực, bộ đệm vốn của ngân hàng Việt vẫn còn mỏng. Hệ số CAR trung bình của ngành Ngân hàng Việt hiện thấp hơn tương đối nhiều so ngân hàng trong khu vực (CAR bình quân của Indonesia là 22,6%; Philippines là 17,2%; Singapore là 17,1%; Thái Lan 19,6%; Malaysia 18,5%).
Trong số hơn 20 ngân hàng đã thực hiện Basel II, một số ngân hàng hoàn thành Basel III như LPBank, VPBank, ACB, TPBank… và tất cả đều từ khối ngân hàng cổ phần, chưa có NHTM Nhà nước. Do đó, theo các nhà phân tích tài chính, việc tăng vốn điều lệ của các TCTD thời gian tới là cần thiết giúp các tổ chức này phát triển lành mạnh, mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng khả năng chống chịu trong một nền kinh tế đầy biến động.
Đối với các NHTM cổ phần, NHNN cũng cho biết, đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 21 ngân hàng thương mại cổ phần, trong đó, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng này chủ yếu là từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng (lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ).
Các ngân hàng được chấp thuận bao gồm: MB, SeABank, ACB, VIB, TPBank, LPBank, BacA Bank, VietA Bank, VietBank, Techcombank, Eximbank, OCB, ABBank, SHB, BVBank, MSB, Kienlongbank, Nam A Bank, NCB, VPBank.
Mới đây, nhiều ngân hàng công bố kế hoạch trả cổ tức cho nhà đầu tư, phần lớn trả bằng cổ phiếu, với ước tính có khoảng hơn 1,5 tỷ cổ phiếu ngân hàng sẽ được phát hành trong nửa cuối năm 2023.
Eximbank phát hành 265,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 18% nhằm tăng vốn điều lệ lên 17.569 tỷ đồng. OCB dự kiến phát hành gần 685 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu để trả cổ tức với tỷ lệ 50%, qua đó tăng vốn điều lệ từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng.
VPBank vừa chào bán xong toàn bộ 30 triệu cổ phiếu quỹ cho nhân viên, giúp tăng tổng số cổ phiếu đang lưu hành lên 6,743 tỷ cổ phiếu, ước thu về hơn 300 tỷ đồng. Ngoài ra, dự kiến trong quý III/2023, VPBank sẽ chi gần 8.000 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận năm 2022 để trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%.
SeABank dự kiến phát hành 42 triệu cổ phiếu ESOP năm nay. Đối tượng được mua là thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát, cán bộ nhân viên của SeABank và các công ty con của SeABank thỏa mãn các tiêu chí, điều kiện tại quy định. Giá phát hành là 12.000 đồng/CP.
SHB cũng vừa công bố nghị quyết của HĐQT về phương án phát hành hơn 45 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động, với mức giá chào bán 10.000 đồng/CP, ước thu về 451 tỷ đồng, giúp tăng vốn điều lệ lên gần 37.000 tỷ đồng. Trước đó, SHB đã hoàn tất việc phát hành hơn 552 triệu cổ phiếu để chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 18%.
Ngoài ra, HĐQT HDBank đã có nghị quyết thông qua việc phát hành thêm 20 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động; Techcombank cũng vừa công bố thông tin về việc chuẩn bị phát hành gần 5,3 triệu cổ phần theo chương trình ESOP năm 2023 để tăng vốn điều lệ lên thêm 52,7 tỷ đồng.
Tổng Hợp
(ĐTCK)