9 tháng đầu năm 2023, có 75.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 21,2% so với cùng kỳ. Cán bộ ngân hàng chịu áp lực rất lớn trong việc quyết định cho doanh nghiệp vay vốn.
TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, chính sách tiền tệ khó có thể nới lỏng thêm.
“Chính sách tiền tệ đang bộc lộ hạn chế. Hiện lãi suất huy động đã giảm sâu về thời kỳ dịch Covid-19. Trong khi đó, nhu cầu tín dụng yếu, vấn đề này không hoàn toàn phụ thuộc vào lãi suất, mà còn phụ thuộc vào đầu ra của doanh nghiệp”, TS. Phạm Thế Anh nhận xét.
Ông Phạm Thanh Hà, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước thông tin, tính đến 29/9/2023, tăng trưởng tín dụng đạt 6,92% so với cuối năm 2022. Tín dụng đã tăng mạnh hơn, nhưng vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ năm ngoái.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay vốn để đẩy mạnh sản xuất – kinh doanh vì hàng tồn kho lớn, TS. Phạm Thế Anh cho rằng, nhu cầu tiêu dùng của các thị trường xuất khẩu có sớm phục hồi hay không là yếu tố quan trọng. Đáng chú ý, lạm phát tại Việt Nam sau khi giảm nhanh trong các tháng đầu năm thì gần đây tăng trở lại, tính đến cuối tháng 9 tăng 3,7% so với cùng kỳ.
“Đây là giới hạn mà chính sách tiền tệ đang gặp phải khi Việt Nam theo đuổi chính sách lãi suất thực dương. Ngoài ra, sức ép tỷ giá là rất lớn, do lãi suất ở Việt Nam giảm mạnh, trong khi môi trường lãi suất trên thế giới neo ở mức cao, khiến cho lãi suất khó có thể hạ thêm trong vòng một năm tới. Khi kinh tế thế giới chưa hồi phục, chúng ta phải trông chờ nhiều hơn vào chính sách tài khoá, trong đó chủ yếu là đầu tư công”, TS. Phạm Thế Anh nêu quan điểm.
Cán bộ tín dụng tại một ngân hàng thương mại cổ phần cho hay: “Là bên “buôn” tiền, có cơ hội tốt nhẽ nào ngân hàng lại bỏ qua. Tuy nhiên, có những việc muốn cố nhưng không dám cố, bởi cố quá có thể trở thành quá cố”.
Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước nhận xét, cán bộ ngân hàng chịu áp lực rất lớn trong việc quyết định cho doanh nghiệp vay vốn. Nếu không cho vay thì không hoàn thành chỉ tiêu được giao, ảnh hưởng đến lương, thưởng, danh hiệu thi đua của đơn vị. Nhưng nếu cho vay dự án, doanh nghiệp chưa đủ điều kiện, thiếu tính khả thi sẽ gây ra nợ xấu, dẫn đến không thu hồi được nợ và bị ngân hàng kỷ luật.
Về thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, ông Tiến khẳng định, chính quyền sẽ liên tục đối thoại để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, qua đó cấp giấy chứng nhận để làm tài sản đảm bảo cho khoản vay tại ngân hàng.
Về tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp, ông Phạm Thanh Hà cho biết, đây là yếu tố giúp phòng ngừa rủi ro cho ngân hàng trong hoạt động cho vay, nhưng ngân hàng và doanh nghiệp nên đối thoại, thỏa thuận với nhau để có giải pháp hợp lý.
“Các ngân hàng phải chú ý, cần chắc chắn việc đảm bảo khách hàng hiểu rõ các điều khoản, điều kiện, quyền lợi, trách nhiệm, rủi ro trong hợp đồng giữa người vay và người cho vay, bởi đây là quan hệ bình đẳng, sòng phẳng”, ông Phạm Thanh Hà nói.
Trong diễn biến có liên quan, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á nhận định, rủi ro đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam vẫn còn cao.
Tổng Hợp
(ĐTCK)