Nhu cầu cao, cung yếu là nguyên nhân chính khiến giá căn hộ chung cư bị đẩy lên cao, giá chung cư tăng 19 quý liên tiếp…
Báo cáo của Savills Việt Nam, trong quý 3 này, giá chung cư tăng cao. Giá sơ cấp đạt 54 triệu đồng/m2 , tăng 2% theo quý và 13% theo năm.
Giá sơ cấp đã tăng trong 19 quý liên tiếp và cao hơn 77% so với Q1/2019. Giá thứ cấp đạt 36 triệu đồng/m2 , tăng 2% theo quý và 8% theo năm. Nguồn cung mới trong quý 3/2023 giảm -47% theo quý và -65% theo năm xuống 1.891 căn hộ Hạng B.
Không có nguồn cung mới hạng A và C. Nguồn cung sơ cấp gồm 19.808 căn, giảm -3% theo quý và -6% theo năm. Hạng B chiếm 92% nguồn cung.
Nhận định về thị trường chung cư hiện nay, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, giá còn đang ở mức cao, tỷ lệ giảm yếu.
Nhu cầu về chung cư rất lớn nhưng nguồn cung hiếm. Điển hình như trong khoảng mấy năm gần đây ở Hà Nội, không có dự án chung cư nào mới được phê duyệt. Cầu cao, cung yếu, giá không giảm, thậm chí có chiều hướng tăng.
Chỉ có một số vùng ngoại ô, vùng có tiềm năng, chuẩn bị lên quận, có đầu tư hạ tầng kĩ thuật được nhiều nhà đầu tư chú ý hơn. Tuy nhiên, về bản chất, khi lượng người quan tâm nhiều, mà không có nhiều hàng, dẫn đến sự khan hiếm. Từ đó, giá của chung cư ở Hà Nội hay các tỉnh thành khác nói chung không giảm.
TS. Nguyễn Văn Khôi nhận định, thời điểm hiện tại, 3 luật cơ bản liên quan đến thị trường BĐS là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS đã được Chính phủ, Quốc hội bàn thảo kỹ lưỡng. Mặc dù có những góp ý đã được ghi nhận, bổ sung, nhưng vẫn còn những điểm cần tiếp tục bám sát, xem xét đưa vào các dự thảo luật. Vnrea đang tiếp tục kiến nghị một số nội dung liên quan, nhằm góp phần phục hồi và phát triển nhanh thị trường BĐS vào 3 dự thảo Luật.
Đơn cử, với Luật Đất đai, điều kiện áp dụng và nguyên tắc đối với 4 phương pháp xác định giá đất; cấp giấy chứng nhận cho các trường hợp BĐS du lịch; tổ chức cá nhân người nước ngoài được nhận, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án có sử dụng đất thực hiện dịch vụ thương mại đã được câp có thẩm quyền chấp nhận đầu tư… Bên cạnh đó, đề xuất bổ sung mục ưu đãi cải tạo xây dựng chung cư cũ, nhà ở xã hội… vào dự thảo Luật Nhà ở; đồng thời, bổ sung vấn đề đặt cọc, chuyển nhượng toàn bộ hay một phần dự án, nguyên tắc kinh doanh nhà ở, công trình có sẵn và hình thành trong tương lai… vào dự thảo Luật Kinh doanh BĐS.
“Vấn đề ưu tiên nhất của thị trường BĐS hiện nay là việc hoàn thiện thể chế để phát triển bền vững và giải quyết thị trường theo nguyên tắc Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ‘khó khăn vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào, cơ quan nào thì cấp đó, cơ quan đó phải giải quyết dứt điểm’. Song, thời gian tới, các bộ, ngành địa phương cần tập trung, khẩn trương hoàn thành công tác quy hoạch với các ngành, vùng, địa phương, phân khu, với sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa, giải quyết dứt điểm các thủ tục pháp lý và hành chính cho doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Văn Khôi khẳng định.
Nếu trong những đợt “sốt” đất như năm 2022, giá bị đẩy lên quá cao, tạo nên giá ảo, thì hiện nay giá ảo đã xuống giá trị thực. Nhưng xét về mặt bằng chung, giá chung cư vẫn cao.
“Phân khúc giá căn hộ, phục vụ đại bộ phận dân chúng, giá bị đẩy lên sẽ ảnh hưởng nhiều đến thị trường, ảnh hưởng đến khả năng mua bán của người dân. Mức giá đang vượt ngưỡng cần thanh toán. Mặc dù khủng hoảng chung của thị trường BĐS có điều chỉnh nhưng điều chỉnh không lớn, cung yếu, cầu nhiều”, ông Đính nhận xét.
Tổng Hợp
(Tiền Phong,NSTT)