Thị trường bất động sản không còn xảy ra khủng hoảng đồng bộ như thời điểm năm 2022 nhưng khả năng hồi phục trong năm 2024 là điều khó xảy ra.
Tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề Data Talk: “Tâm điểm vĩ mô & thị trường chứng khoán quý IV/2023″, ông Trần Ngọc Báu, Tổng Giám đốc CTCP Dữ liệu và Công nghệ Tài chính WiGroup nhận định, rất khó để kỳ vọng thị trường bất động sản tăng giá tiếp trong thời gian tới. Thị trường sẽ vẫn tiếp tục khó khăn trong năm 2024.
Còn ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng những rủi ro về thanh khoản, về trái phiếu bất động sản của năm 2022 đã qua giai đoạn khó khăn nhất.
Dự báo về thời điểm thị trường hồi phục, ông Minh nói, việc thị trường địa ốc có hồi phục mạnh mẽ hay không thì đó là câu chuyện của tương lai. Nhưng ở thời điểm hiện tại, thị trường đã ở trong một trạng thái cân bằng hơn và không còn xảy ra khủng hoảng đồng bộ như thời điểm năm 2022.
Theo ông Minh, năm 2022, ba nguồn vốn chủ chốt là vốn tự có, vốn ngân hàng và vốn huy động từ trái phiếu đều bị “tắc” khiến cho các doanh nghiệp địa ốc gặp khó khăn. Sang năm 2023, trừ nguồn vốn tín dụng ngân hàng, hai nguồn vốn còn lại đã dần được khơi thông. Do đó, kỳ vọng của các nhà đầu tư hiện nay là thanh khoản của thị trường bất động sản sẽ khôi phục trở lại nhờ những động thái của Chính phủ trong thời gian vừa qua.
Trong khi đó, ông Đào Minh Châu, CFA, Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research, sự phục hồi của ngành bất động sản sẽ vẫn còn nhiều thách thức trong ít nhất cho đến giữa năm 2024. Bởi lượng trái phiếu đáo hạn của nhóm doanh nghiệp ngành này vẫn còn khá lớn, ước tính khoảng 300.000 tỷ đồng trong vòng 2 năm tới.
Trước đó, trong một toạ đàm, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia, chia sẻ tại Hội nghị đánh giá tình hình, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản do Chính phủ tổ chức tuần qua. Theo ông Lực, thị trường bất động sản đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất và đang dần phục hồi từ tháng 5 đến nay.
TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch VNREA nêu rõ, thời gian qua, trước diễn biến phức tạp và nguy cơ mất ổn định của thị trường bất động sản, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có các chỉ đạo nhằm phát triển lành mạnh và bền vững thị trường. Từ sau Đại hội V (tháng 6/2022 đến nay), Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng đã tổ chức gần 50 hội nghị, hội thảo, tọa đàm và các chương trình xúc tiến đầu tư, làm việc trực tiếp với cộng đồng các doanh nghiệp, nhất là tại các địa phương để nắm bắt tình hình, cùng tháo gỡ khó khăn và có kiến nghị phù hợp, kịp thời cho thị trường.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thường xuyên dự họp các Bộ, ngành, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ để tham gia sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Đồng thời, qua từng dự thảo các luật, Hiệp hội trực tiếp cùng các tập đoàn, doanh nghiệp tham gia cụ thể từng Điều, Khoản và trình văn bản kiến nghị đến Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Ủy ban của Quốc hội và Chính phủ. Đến hôm nay, nhiều nội dung đã được Bộ, ngành, Chính phủ, Quốc hội ghi nhận vào dự thảo 03 Luật.
Theo ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng khẳng định, bất động sản là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, liên quan mật thiết đến nhiều ngành, nghề khác. “Chúng tôi quan tâm đến 3 vấn đề chính của thị trường bất động sản là cơ chế chính sách, vốn và việc thực thi. Đây là 3 vấn đề ảnh hưởng đến sự lên xuống của thị trường”.
Thông tin về Đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, ông Hoàng Hải cho biết, thị trường bất động sản thiếu phân khúc này, nhà ở xã hội là giải pháp quan trọng để bổ sung nguồn cung phù hợp cũng như điều tiết thị trường. Kết quả là đã hoàn thành 41 dự án với quy mô 9.416 căn, đang tiếp tục triển khai 294 dự án, quy mô 288.499 căn.
Trong khi đó, PGS.TS. Ngô Trí Long thì bày tỏ kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ bắt đầu phục hồi vào cuối quý IV/2023, theo đó, những khó khăn không thể xử lý ngày một ngày hai nên phải đến quý IV năm sau mới phục hồi rõ nét.
Tổng Hợp