Nhà ở xã hội Thủ Thiêm Green House hơn ngàn căn, chỉ 100 người đăng ký. Nhịch lý “vừa thừa, vừa thiếu” nhà ở xã hội.
Dự án nhà ở xã hội cho công nhân thuê Thủ Thiêm Green House do Công ty cổ phần ThuThiem Group làm chủ đầu tư gồm 4 block với 1.040 căn hộ, dự kiến hoàn thành và bàn giao một phần vào cuối năm 2023, song đến nay mới có 100 người đăng ký thuê nhà…
Ông Trần Việt Cường, Tổng giám đốc ThuThiem Group cho biết, có nhiều người dân liên hệ tìm hiểu dự án, nhưng có rất ít hồ sơ đạt yêu cầu. Ngoài đáp ứng 3 điều kiện về nhà ở, cư trú và thu nhập theo quy định, người thuê còn cần chứng minh đang làm việc tại các doanh nghiệp có trụ sở tại khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP. Thủ Đức, TP.HCM.
“Những năm qua, nhóm đối tượng này có thu nhập không cao, công việc cũng không ổn định nên rất khó xác định nhu cầu thuê lâu dài tại dự án, trong khi quyền thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội chỉ được một lần”, ông Cường nói, đồng thời chia sẻ thêm, tính đến hiện tại, chỉ vài chục trường hợp trong ba đợt trình hồ sơ tại Sở Xây dựng Thành phố được duyệt.
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, điểm vướng của dự án cho công nhân thuê tại phường Thạnh Mỹ Lợi là về quy hoạch. Dự án này được duyệt từ năm 2019, có khoảng 20 ha là khu thương mại dịch vụ, còn lại bố trí khoảng 2 ha làm nhà ở cho công nhân. Do đó, dự án chỉ để cho thuê và có điều kiện thuê cụ thể, nếu muốn mở rộng đối tượng sử dụng thì phải điều chỉnh 2 ha này ra khỏi dự án để biến thành khu ở.
“Chúng tôi sẽ làm việc với TP. Thủ Đức để chuyển từ đất thương mại dịch vụ thành đất ở để mở rộng điều kiện. Khi điều chỉnh quy hoạch, vấn đề về pháp lý sử dụng đất và nghĩa vụ tài chính sẽ thay đổi”, ông Khiết nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc đang tham gia phát triển một dự án nhà lưu trú cho công nhân tại TP.HCM cho biết, nhiều năm nay vẫn chưa thể hoàn thành xong thủ tục để khởi công xây dựng.
Bên cạnh đó, việc bố trí các quỹ đất để dùng phát triển cho mục đích nhà ở xã hội không đạt được những điều kiện tối thiểu, vừa nằm quá xa khu trung tâm, vừa thiếu dịch vụ, tiện tích… nên khó thu hút người dân đến ở, doanh nghiệp tâm huyết cũng không dám làm vì làm ra sẽ khó bán.
Ngoài ra, những quy định liên quan đến điều kiện tiếp cận nhà ở xã hội cũng là một rào cản. Trong đó, điều kiện để trở thành “người thu nhập thấp” ở các thành phố lớn là mọi thành viên trong gia đình thu nhập thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, tức không quá 11 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, với mức thu nhập này, rất khó để đảm bảo vừa trả tiền lãi vay mua nhà hàng tháng, vừa trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày trong bối cảnh giá cả leo thang như hiện nay.
Muốn phát triển nhà ở xã hội, trước hết phải giải quyết vốn vay cho người có nhu cầu, thế nhưng khi xem xét từ 2 nguồn vốn chính hiện nay đều không dễ tiếp cận. Chẳng hạn, Quỹ phát triển nhà ở TP.HCM đang cho vay lãi suất 4,7%/năm, thời hạn 20 năm, mức vay tối đa 900 triệu đồng, nhưng nguồn này chỉ dành cho người hưởng lương từ ngân sách, các nhóm khác không được vay. Hay như Ngân hàng Chính sách xã hội cho người mua nhà ở xã hội vay tối đa 700 triệu đồng, lãi suất 4,8%/năm, thời hạn vay 25 năm, song điều kiện vay khó khăn.
Trong báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết của HĐND TP.HCM về chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn giai đoạn 2016-2025, Sở Xây dựng Thành phố cho hay, trong giai đoạn 2016-2020, có đến 18.000 người có nhu cầu vay vốn nhà ở xã hội đăng ký vay, song chỉ 310 người được vay mua, xây sửa nhà với tổng số tiền 150 tỷ đồng. Do đó, Sở đề xuất Thành phố cần tăng cường vốn, nhất là cho Quỹ Phát triển nhà ở, từ đó xem xét mở rộng đối tượng được vay cho người thu nhập thấp.
Cơ quan này cũng cho biết, hiện đã hết gần nửa nhiệm kỳ, nhưng đến nay chỉ duy nhất 1 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng (260 căn hộ), 7 dự án đang triển khai (5.117 căn hộ). Từ nay đến cuối năm 2025, theo kế hoạch, Thành phố còn phải phát triển thêm 2,06 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân (29.623 căn hộ).
Tổng Hợp
(ĐTCK)