Đây là một trong những ngân hàng TMCP được thành lập đầu tiên tại Việt Nam. Thời điểm đó, Eximbank có vốn điều lệ dẫn đầu khối TMCP, chỉ xếp sau “Big 4” ngân hàng quốc doanh. Nhưng 10 năm qua câu chuyện dang dỡ ở ngân hàng này mới được tạm yên do đâu và tiếp theo với SCB, DongABank sẽ như thế nào…
Trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cuối tháng 4/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác nhận đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt. Đó là: Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank), Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank), Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank) và Ngân hàng TM TNHH MTV Dầu Khí Toàn Cầu (GPBank).
DongABank bị kiểm soát đặc biệt từ tháng 8/2015 sau khi kết quả thanh tra cho thấy trong giai đoạn 2012 trở về trước, ngân hàng này có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính và hoạt động của ngân hàng. Từ đó đến nay, DongABank liên tục khó khăn, lãnh đạo chủ chốt ra đi, con số tài chính không được công khai, cổ đông bị cấm chuyển nhượng cổ phần… Và khác với sự biến động liên tục của Eximbank, DongABank gần như chìm hẳn với rất ít biến động được nhắc đến.
Trước thời điểm bị kiểm soát đặc biệt, DongABank là ngân hàng có tổng tài sản lên tới hơn 87.100 tỷ đồng. Hoạt động cho vay tại DongABank chìm trong sụt giảm suốt nhiều năm và chỉ mới có dấu hiệu tăng trưởng vào năm ngoái.
Riêng với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), từ cuối tháng 10/2022, NHNN đã đưa nhà băng này vào diện kiểm soát đặc biệt, sau vụ bà Trương Mỹ Lan bị bắt. NHNN cho biết đang thực hiện các thủ tục đánh giá tổng thể thực trạng để có cơ sở xây dựng phương án tái cơ cấu lại SCB nhằm từng bước duy trì hoạt động ổn định, hạn chế những khó khăn cho nhà băng này.
Theo báo cáo tài chính 2019, quy mô tổng tài sản của SCB nằm trong nhóm 5 ngân hàng lớn nhất tại Việt Nam với hơn 567.894 tỷ đồng. Đến cuối tháng 6/2022, tổng tài sản của SCB vọt tăng lên hơn 761.177 tỷ đồng. Nhưng sau khi công bố báo cáo tài chính quý II/2022 và kể từ khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, đến nay, SCB không công bố thêm các báo cáo tài chính trong các quý còn lại của năm 2022 cũng như cả năm 2022.
Các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt đang ghi nhận/tiềm ẩn khoản thua lỗ khá lớn, có thể lên đến cả nghìn tỷ đồng mỗi năm. Đây chính là khó khăn lớn nhất trong quá trình cơ cấu lại khi thực hiện tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư. Với khoản lỗ lớn, cùng sự phức tạp về xử lý nợ xấu, hệ thống, mô hình quản trị, nhân sự, công nghệ… vốn đã đi xuống rất nhiều trong mấy năm qua, đặt ra bài toán khó với các ngân hàng tham gia tái cơ cấu.
Thậm chí, trong một trao đổi gần đây, lãnh đạo 1 tổ chức thanh toán tiết lộ DongABank không đủ năng lực tài chính để đẩy mạnh chuyển đổi và tham gia các ứng dụng mới trên nền thẻ chip. Từng là ngân hàng đi đầu về công nghệ nhưng không chắc hệ thống công nghệ của DongABank có còn phù hợp và đáp ứng xu hướng hiện nay hay không.
Việc tái cơ cấu ngân hàng không dễ quyết nhanh được. Việc tái cơ cấu cả 1 ngân hàng đã ở diện kiểm soát đặc biệt gần chục năm qua không hề đơn giản và chắc sẽ còn phải chờ thêm. Thời gian để đưa ngân hàng thua lỗ, khó khăn về trạng thái hết lỗ rồi mới tính tiếp cũng ước chừng 8 – 10 năm và sẽ khó có một lời hứa nào chắc chắn, thời hạn đều để mở vì “chưa thể nói trước được”.
TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. HCM, nhận định việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng thời gian tới cần gắn liền với định hướng bền vững hơn. Trong khi đó, TS. Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM, cho rằng để quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng trong thời gian tới đạt hiệu quả tốt, cần tiếp tục củng cố hành lang pháp lý, trong đó, sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng theo hướng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của các ngân hàng.
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) thành lập 1990 với số vốn điều lệ ban đầu là 50 tỷ đồng (tương đương 12,5 triệu USD tại thời điểm cấp phép). Đây là một trong những ngân hàng TMCP được thành lập đầu tiên tại Việt Nam. Thời điểm đó, Eximbank có vốn điều lệ dẫn đầu khối TMCP, chỉ xếp sau “Big 4” ngân hàng quốc doanh.
10 năm trước là giai đoạn đỉnh cao của nhà băng này với tăng trưởng trên 70%/năm, Eximbank khẳng định vị thế top đầu ở khối TMCP. Vào năm 2011, lợi nhuận của Eximbank đạt trên 4.000 tỷ đồng, thuộc nhóm dẫn đầu về hiệu quả toàn ngành.
Tuy nhiên, năm 2012, cuộc khủng hoảng nợ xấu, thanh khoản và rủi ro… xảy ra với hệ thống ngân hàng nói chung khiến Eximbank bắt đầu bộc lộ nhiều vấn đề. Đặc biệt, sau khi tham gia vụ thâu tóm ngược Sacombank của Ngân hàng TMCP Phương Nam hồi năm 2011-2012, Eximbank đã lập tức đổ dốc. Tổng tài sản Eximbank từ 183,6 nghìn tỷ đồng 2011 giảm xuống 161 nghìn tỷ vào cuối năm 2014 và đến năm 2015 còn chưa tới 126 nghìn đồng. Xét về tổng tài sản, năm 2013, Eximbank thuộc top 3 ngân hàng TMCP nhưng nay chỉ được xếp vào nhóm hạng trung.
Gần 10 năm qua, lợi nhuận Eximbank cũng liên tục lao dốc, thậm chí thua lỗ. Năm 2011, Eximbank góp mặt trong “câu lạc bộ nghìn tỷ” nhưng 2 năm sau, lợi nhuận của ngân hàng này tụt xuống 828 tỷ đồng. Năm 2015, lợi nhuận sau thuế còn âm 817 tỷ đồng. Thua lỗ khiến cổ phiếu EIB bị đưa vào diện cảnh báo trong năm 2016.
Kinh doanh đi xuống, Eximbank còn liên tục có sự cố tai tiếng. Năm 2018, vụ 245 tỷ đồng tiền gửi của bà Chu Thị Bình – Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, bị nhân viên ngân hàng chiếm đoạt khiến Eximbank phải xử lý, làm giảm 52% lợi nhuận ngân hàng. Năm 2020, Eximbank là thành viên duy nhất trong hệ thống ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm ở cả tổng tài sản, cho vay và tiền gửi. Mới nhất, năm 2021, khi hàng loạt ngân hàng báo lãi kỷ lục thì Eximbank chỉ lãi trước thuế hơn 1.200 tỷ đồng, giảm 10% và không hoàn thành mục tiêu đề ra.
Một thập kỷ qua, nhân sự cấp cao luôn là điểm nóng, gây ra lùm xùm đầy bí ẩn tại Eximbank. Ngân hàng này rơi vào vòng xoáy khủng hoảng nhân sự do mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông, đặc biệt là sau thời điểm ông Lê Hùng Dũng – Chủ tịch HĐQT rút lui vào giữa năm 2015.
Trong giai đoạn từ tháng 3/2019-6/2020, có tới 4 người lên đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Eximbank. HĐQT luôn lục đục với những lần bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch trong thời gian ngắn, thậm chí có vị Chủ tịch “bay chức” chỉ sau vài giờ đồng hồ. Qua đó, có thể thấy sự bất ổn Eximbank là do mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông lớn. Họ không tìm được tiếng nói chung, mà cũng không có nhóm nào đủ sức chi phối. Không chỉ bất ổn ở “ghế” Chủ tịch HĐQT, vị trí tổng giám đốc cũng bị bỏ trống trong giai đoạn 2019-2021.
Trong nhiều năm liền không tăng được vốn điều lệ, trong khi hầu hết các ngân hàng TMCP khác đều chạy đua tăng vốn, Eximbank từ top đầu rơi xuống nhóm dưới. Lợi nhuận Eximbank nay thua xa cả những “đàn em” một thời như VIB, OCB, NamABank, TPBank…
Từ nửa cuối 2022, Eximbank đang dần ổn định trở lại nhờ những thay đổi về cơ cấu cổ đông lớn. Ngày 15/2/2022, Eximbank tổ chức ĐHCĐ thành công với dàn lãnh đạo mới mang lại kỳ vọng cho giai đoạn mới. Trong vòng 1 năm trở lại đây, hoạt động kinh doanh của Eximbank có nhiều khởi sắc. Theo báo cáo tài chính, lợi nhuận trước thuế quý I/2023 của Eximbank đạt trên 900 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2022 đánh dấu lần đầu tiên Eximbank tăng vốn điều lệ trong vòng một thập kỷ qua. ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của Eximbank đã thông qua việc chia cổ tức 18% bằng cổ phiếu cho cổ đông. Như vậy, sau 10 năm, Eximbank cũng đã thực hiện chia cổ tức cho cổ đông.
Tổng Hợp
(VietnamFinance)