Giá là rào cản lớn nhất với người mua ở thời điểm hiện tại vì các loại hình bất động sản thấp tầng có giá cao hơn nhiều so với mặt bằng thu nhập của người dân và sản phẩm có giá trị lớn khó thực hiện vay để mua.
Theo Batdongsan.vom.vn, thị trường bất động sản thấp tầng toàn quốc rơi vào trầm lắng với lượng giao dịch suy giảm. Báo cáo cho thấy, 57% môi giới tham gia khảo sát cho biết giao dịch các sản phẩm thấp tầng giảm hơn 50%, 28% nhận xét giao dịch giảm từ 10 – 50%.
Về nguyên nhân, giá là rào cản lớn nhất với người mua ở thời điểm hiện tại vì các loại hình bất động sản thấp tầng có giá cao hơn nhiều so với mặt bằng thu nhập của người dân và sản phẩm có giá trị lớn khó thực hiện vay để mua. Giá rao bán trung bình nhà phố vào quý III/2023 là 333 triệu đồng/m2 tại Hà Nội, và 209 triệu đồng/m2 tại TP.HCM.
Phân khúc thấp tầng cũng đang cho thấy các xu hướng và tiềm năng hồi phục khác nhau. Trong đó, nhà phố còn đang trầm lắng do hoạt động du lịch – bán lẻ chưa tăng trưởng mạnh mẽ vì ảnh hưởng của kinh tế vĩ mô và hậu dịch Covid-19. Dữ liệu từ Batdongsan.com.vn cho thấy mức độ quan tâm đến nhà phố ở các đô thị trung tâm gần như đi ngang, còn ở các tỉnh du lịch ven biển miền Trung, Bắc, Nam giảm lần lượt 11%, 22% và 41% so với quý I/2021.
Trong khi đó, nhà liền kề, biệt thự tại các khu đô thị vùng ven khá tiềm năng nhờ mạng lưới cơ sở hạ tầng tương lai hỗ trợ cho xu hướng kéo giãn các đô thị ra vùng ven và lân cận. Nhiều khu đô thị ven đô chứng kiến tốc độ tăng giá biệt thự, liền kề tốt trong những năm qua, ví dụ Khu đô thị Starlake, Ciputra, Mailand Hanoi City, Vinhomes Riverside, ParkCity, Ecopark (Hà Nội) với mức tăng trên 20%, 30% mỗi năm; hay Khu đô thị Swan Bay, Eco Village Saigon River, Mizuki Park (TP.HCM) tăng giá trên dưới 20% mỗi năm.
Đối với nhà riêng, mức độ quan tâm và giá rao bán vẫn giữ sự ổn định ở Hà Nội, do đây là loại hình phục vụ nhu cầu ở thực nên nhu cầu vẫn được duy trì. Trong quý III/2023, giá rao bán nhà riêng ở nhiều quận như: Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông vẫn tăng từ 4 – 9% so với cùng kỳ 2022. Mức độ quan tâm cũng tăng nhẹ 2 – 3% tại một số quận Hà Nội. Còn tại TP.HCM, giá rao bán và mức độ quan tâm nhà riêng đang có xu hướng giảm nhưng mức giảm không quá 10% so với quý III/2022.
Các chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản chưa phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc thúc đẩy thị trường phục hồi. Tình hình kinh tế trong nước và thế giới có tác động không thuận lợi cho thị trường bất động sản, niềm tin thị trường chưa được khôi phục hoàn toàn.
Điểm sáng thị trường là lãi suất huy động đã giảm về mức thấp nhất kể từ 2020, kéo theo lãi suất chào cho các khoản vay mới cũng đang được điều chỉnh giảm về mức tương đương đầu năm 2022. Và dù tỷ lệ hấp thụ chung của toàn thị trường vẫn đang ở mức thấp so với cùng kỳ các năm trước khủng hoảng (trung bình khoảng trên dưới 20% toàn thị trường), nhưng tỷ lệ hấp thụ của năm 2023 đã tăng dần theo quý: quý 2 tăng hơn quý 1, quý 3 tăng hơn quý 2.
Đối với phân khúc bất động sản nhà ở, quý 3/2023 ghi nhận khoảng 90% nguồn cung sơ cấp tại các thị trường trọng điểm đến từ các dự án hiện hữu. Tổng nguồn cung sơ cấp (bao gồm nguồn cung hiện hữu và nguồn cung mới) khoảng 38.000 sản phẩm, trong đó, miền Bắc có khoảng 14.000 sản phẩm, miền Trung khoảng 3.300 sản phẩm, miền Nam khoảng 17.500 sản phẩm, và miền Tây có khoảng 2.600 sản phẩm được cung ứng ra thị trường.
Tổng Hợp
(ĐTCK, Giáo Dục)