Rủi ro là khó tránh nếu nợ xấu tăng, tỷ lệ bao phủ dự phòng của ngân hàng giảm. Tuy nhiên, hiện ngân hàng cũng dần hết “của để dành” để trích lập thêm dự phòng rủi ro và chi phí hoạt động trong năm nay lại khá cao nên buộc phải trích giảm dự phòng…
Trong bối cảnh nợ xấu tăng, nhưng tỷ lệ bao phủ nợ xấu của hầu hết ngân hàng lại suy giảm trong nửa đầu năm nay, chỉ 3 ngân hàng cải thiện được tỷ lệ này là Vietcombank, Kienlongbank và SHB. Trong đó, Vietcombank ghi nhận sự cải thiện mạnh mẽ nhất với mức tăng 70%, còn Kienlongbank và SHB chỉ tăng nhẹ 4%.
Ở chiều ngược lại, MBBank chứng kiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu suy giảm mạnh nhất, từ 238% xuống còn 156% và đứng thứ 4 trong hệ thống về chỉ số này. Nếu xét riêng Ngân hàng mẹ MBBank thì tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã giảm từ 330% về 197%. Nhiều ngân hàng nhỏ ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở dưới mức 50% như Saigonbank, VietABank, Nam A Bank, PGBank, ABBank, VietBank,…
Tình hình nợ xấu của ngành ngân hàng hiện đã đỡ hơn so với giai đoạn đầu năm 2023 và cuối năm 2022. Do đó, tỷ lệ nợ xấu được dự báo sẽ giảm trong thời gian tới. Tuy nhiên, tỷ lệ giảm của nợ xấu không quá mạnh và còn phụ thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp và tính hiệu quả của các chính sách hỗ trợ thị trường.
Do có độ trễ nhất định nên những chính sách này phải từ quý IV/2023 mới bắt đầu phát huy tác dụng. Chưa kể, tốc độ giảm của nợ xấu cũng còn tùy thuộc vào diễn biến của thị trường bất động sản, nếu phục hồi sớm sẽ tác động tích cực đến việc xử lý tài sản đảm bảo và kéo nợ xấu giảm.
Quy định của Thông tư 02/2023 cho phép các ngân hàng được tái cơ cấu, giãn nợ, giúp các ngân hàng có thể khoanh nợ, khách hàng được chậm trả nợ, nhưng chỉ mang tính chất ngắn hạn. Đồng thời, chỉ số dư nợ gốc và/hoặc lãi phát sinh nghĩa vụ trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày Thông tư 02/2023 có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024 mới được thực hiện cơ cấu nợ, chứ không phải toàn bộ dư nợ của khoản nợ. Chưa kể, các điều kiện để được tái cơ cấu, giãn nợ cũng khá khắt khe nên không phải doanh nghiệp nào cũng được ngân hàng cho tái cơ cấu nợ.
Thực tế, nợ trong nền kinh tế tuy lớn nhưng với quy định của Thông tư 02/2023 sẽ không bị nhảy nhóm nên tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng vẫn nằm trong vùng an toàn. Đồng thời, với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, nhất là doanh nghiệp lĩnh vực xuất khẩu, thời gian tới, khi các giải pháp phát huy hiệu quả thì nợ xấu sẽ giảm, ngay cả khi thông tư này hết hiệu lực.
Rủi ro là khó tránh nếu nợ xấu tăng, tỷ lệ bao phủ dự phòng của ngân hàng giảm. Tuy nhiên, hiện ngân hàng cũng dần hết “của để dành” để trích lập thêm dự phòng rủi ro và chi phí hoạt động trong năm nay lại khá cao nên buộc phải trích giảm dự phòng. Năm nay, tình hình khó khăn và hoạt động của ngành ngân hàng cũng không nằm ngoài vòng xoáy này khi tín dụng khó tăng, thu ngoài lãi giảm, nhất là doanh thu bảo hiểm sụt giảm mạnh sau cuộc khủng hoảng truyền thông vừa qua, thay vì lãi cao như những năm trước và điều này cũng đã được dự báo trước.
Tổng Hợp
(ĐTCK)