Tổng doanh thu phí bảo hiểm quý III/2023 ước đạt 52.900 tỷ đồng, giảm 10,4% so với cùng kỳ.
Theo số liệu cập nhật của Tổng cục Thống kê, tổng doanh thu phí bảo hiểm quý III/2023 ước đạt 52.900 tỷ đồng (giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2022). Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 165.600 tỷ đồng (giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó: Doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 52.200 tỷ đồng (tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2022), lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 113.400 tỷ đồng (giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2022). Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 57.100 tỷ đồng (tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2022).
Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 746,7 tỷ đồng (tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2022). Tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 890,5 tỷ đồng (tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2022). Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường bảo hiểm đang gặp khó khăn nhất định do quy định chặt chẽ của hợp đồng bảo hiểm từ kênh bán hàng qua các ngân hàng. Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng năm 2023 giảm so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ giảm nhưng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đang có xu hướng tăng do các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang rất nỗ lực ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh cũng như đẩy mạnh hợp tác với các đối tác tiềm năng nhằm mở rộng thị trường, giúp tối ưu hóa quy trình kinh doanh đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, kỳ vọng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và duy trì được mức tăng trưởng doanh thu bền vững.
Bộ Tài chính đề xuất nâng cao mức xử phạt hành chính đối với những vi phạm bảo hiểm nhân thọ và bổ sung hình phạt rút giấy phép trong một khoảng thời gian nhất định trong trường hợp vi phạm… Đây là động thái mới nhất của cơ quan quản lý nhằm tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.
Cụ thể, trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2013/NĐ-CP, Nghị định số 48/2018/NĐ-CP, Nghị định số 80/2019/NĐ-CP, Nghị định số 102/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số…, Bộ Tài chính đề xuất nâng gấp đôi mức xử phạt lên 90-100 triệu đồng với nhiều hành vi vi phạm bảo hiểm nhân thọ.
Theo đó, ngoài việc bổ sung đối tượng áp dụng gồm chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài; tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, văn phòng đại diện của tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam, dự thảo còn tăng mức xử phạt đối với một số hành vi liên quan đến việc cung cấp, bán sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng hoặc kênh phân phối khác của đại lý bảo hiểm, chẳng hạn không giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm theo quy định; không cung cấp cho bên mua bảo hiểm bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm theo quy định; đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm; tài liệu giới thiệu sản phẩm không phản ánh trung thực các thông tin cơ bản tại quy tắc, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm…
Phạt tiền từ 90-100 triệu đồng (mức cũ là 40-50 triệu đồng) đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Tài liệu giới thiệu sản phẩm không phản ánh trung thực các thông tin cơ bản tại quy tắc, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm, không nêu rõ các quyền lợi bảo hiểm và loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, thông tin không rõ ràng, tạo cho bên mua bảo hiểm hiểu lầm về những quyền lợi của sản phẩm; tài liệu giới thiệu sản phẩm không thể hiện rõ là sản phẩm bảo hiểm, được cung cấp bởi doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, không phải là sản phẩm của các đối tác phân phối; không thể hiện rõ việc tham gia sản phẩm bảo hiểm không phải là yêu cầu bắt buộc để thực hiện hay hưởng một dịch vụ nào khác của đối tác phân phối; triển khai các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe không theo quy định của pháp luật… Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 2-3 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong giấy phép thành lập và hoạt động đối với trường hợp vi phạm quy định tại dự thảo…
Được biết, thời gian qua, căn cứ chức năng thanh tra chuyên ngành và thực tế vi phạm của doanh nghiệp, Bộ Tài chính (Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm) đã tiến hành xử phạt 29 doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm với tổng số tiền 2,955 tỷ đồng.
Tổng Hợp