Đồng bạc xanh đã tăng gần 6% kể từ giữa tháng 7 và vừa kết thúc quý tốt nhất kể từ mùa Thu năm ngoái.
Một số loại tiền tệ của thị trường mới nổi đã bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó đồng đô la đã tăng 11% so với đồng peso của Chile và gần 8% so với đồng forint của Hungary.
Sức mạnh của đồng đô la được thúc đẩy bởi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt khi tăng lên trên 4,6% và là mức cao mới trong 16 năm trong tuần trước. Các nhà đầu tư ngày càng bị thuyết phục hơn về khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn so với một chu kỳ thông thường.
Bất kỳ động thái chính sách tiền tệ nào cũng tạo ra cả người thắng và người thua. Ở Mỹ, đồng đô la mạnh thường được ưa chuộng về mặt chính trị và phần lớn có lợi cho người tiêu dùng Mỹ vì chúng giúp giảm lạm phát bằng cách kiểm soát giá nhập khẩu và khiến các chuyến đi nước ngoài rẻ hơn.
Tuy nhiên, đối với phần còn lại của thế giới, đồng đô la Mỹ mạnh lên là một diễn biến không được hoan nghênh. Ở nhiều quốc gia, lãi suất đang ở mức cao nhất trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ, làm tăng nguy cơ căng thẳng tài chính. Sự kết hợp giữa lãi suất cao hơn, đồng đô la Mỹ mạnh hơn và giá dầu tăng cao khiến tốc độ tăng trưởng trên toàn thế giới thấp hơn và dễ bị tổn thương về tài chính hơn.
Các công ty Mỹ có hoạt động kinh doanh lớn ở nước ngoài như Apple cũng đang bị ảnh hưởng khi giá trị doanh thu ở nước ngoài của họ tính theo đô la Mỹ giảm và hàng hóa của họ trở nên đắt hơn đối với người nước ngoài.
Đồng bạc xanh cho đến nay vẫn là loại tiền tệ được sử dụng rộng rãi nhất trong thương mại và tài chính toàn cầu, điều đó có nghĩa là sự biến động của nó đã lan rộng ra bên ngoài Mỹ. Hàng hóa thường được định giá bằng đô la. Và các chính phủ, công ty và hộ gia đình trên khắp thế giới đã vay bằng đô la Mỹ. Khi giá trị của đồng đô la Mỹ tăng lên, việc mua hàng nhập khẩu hoặc trả nợ của những quốc gia khác sẽ trở nên đắt đỏ hơn.
Maurice Obstfeld, cựu kinh tế gia trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết: “Các thị trường đã liên tục cố gắng định giá trong các kịch bản màu hồng có liên quan đến đồng đô la yếu hơn và họ tiếp tục ngạc nhiên rằng thực tế không hoàn toàn màu hồng như vậy…Đồng đô la mạnh sẽ tác động tiêu cực tới các thị trường mới nổi. Nó sẽ là tác động tiêu cực đối với thương mại toàn cầu”.
Nhưng ít nhất cho đến nay, thiệt hại đã ít lan rộng hơn so với năm ngoái, khi đồng đô la tăng giá dẫn đến đợt bán tháo tài sản ở các thị trường mới nổi và khiến các quốc gia như Sri Lanka và Ghana rơi vào khủng hoảng kinh tế toàn diện.
Trong những tháng gần đây, tiền tệ ở Mỹ Latinh và Đông Âu đã bị ảnh hưởng nặng nề. Các ngân hàng trung ương ở Brazil, Ba Lan và Hungary đã bắt đầu cắt giảm lãi suất chính sách sau khi nhận được nhiều lời khen ngợi vì hành động thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh chóng vào năm 2021, vượt xa Fed và các ngân hàng trung ương ở các thị trường phát triển khác. Hiện họ đang chịu áp lực phải tạm dừng hoặc làm chậm các kế hoạch cắt giảm lãi suất để ngăn chặn áp lực đối với đồng nội tệ.
Một số ngân hàng trung ương toàn cầu đang khai thác dự trữ ngoại hối để giúp củng cố đồng nội tệ. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki hôm thứ Sáu (29/9) đã cam kết sẽ có hành động chống lại sự sụt giảm mạnh của đồng yên, gần mức 150 yên một đô la. Đó là mức mà năm ngoái đã thúc đẩy sự can thiệp thị trường đầu tiên của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) để mua vào đồng yên sau 24 năm.
“Chúng tôi sẽ có hành động thích hợp chống lại những động thái quá mức mà không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào. Chúng tôi có một cảm giác cấp bách mạnh mẽ”, ông cho biết.
Cả Thụy Sĩ và Hàn Quốc đều đã bán dự trữ ngoại hối để củng cố đồng nội tệ, đồng franc và đồng won. Các nhà phân tích tin rằng Trung Quốc đang thực hiện các công cụ để củng cố đồng nhân dân tệ, vốn đã giảm xuống mức thấp nhất 16 năm vào tháng 9, bằng cách yêu cầu các ngân hàng nhà nước bán đô la.
Các nhà đầu tư phần lớn kỳ vọng đồng bạc xanh sẽ suy yếu trong năm nay khi Fed kết thúc chiến dịch tăng lãi suất mạnh mẽ nhất kể từ những năm 1980. Trong nửa đầu năm nay, đồng bảng Anh và đồng euro đã phục hồi sau đợt sụt giảm nghiêm trọng vào năm 2022.
Nhưng đồng euro – từng đạt đỉnh 1,10 USD trong mùa hè này – đã giảm trở lại mức 1,05 USD khi nền kinh tế khu vực đồng euro trì trệ và lo ngại về tính bền vững nợ ở các nền kinh tế mong manh như Ý lại tái xuất hiện.
Nhiều nhà đầu tư vẫn kỳ vọng chuỗi tăng giá kéo dài hàng thập kỷ của đồng đô la sắp kết thúc.
Một yếu tố có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng của Mỹ là người dân giảm chi tiêu. Người tiêu dùng Mỹ đã cạn kiệt khoản tiết kiệm trị giá hơn 2.000 tỷ USD trong thời kỳ đại dịch và việc nối lại các khoản thanh toán khoản vay dành cho sinh viên dự kiến sẽ làm giảm mức tiêu dùng. Tỷ lệ thất nghiệp tuy vẫn ở gần mức thấp lịch sử, nhưng đã tăng lên.
Tổng Hợp
(ĐTCK)