Một phiên bản mới của Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo) trình Quốc hội lần thứ 3 có thời gian hoàn thiện sẽ chỉ được tính bằng ngày (dự thảo, dự án luật phải gửi tới đại biểu Quốc hội trước khi khai mạc kỳ họp 20 ngày). Luật đất đai sửa đổi vẫn là một thách thức lớn.
Theo chương trình dự kiến của Kỳ họp thứ sáu, trước phiên bế mạc vào chiều 29/11/2023, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Trước đó, ngay cuối tuần làm việc đầu tiên của Kỳ họp, Quốc hội dành cả ngày 28/10 để thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn có ý kiến của dự thảo luật đặc biệt quan trọng này.
Như thế, một phiên bản mới của Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo) trình Quốc hội lần thứ 3 có thời gian hoàn thiện sẽ chỉ được tính bằng ngày (dự thảo, dự án luật phải gửi tới đại biểu Quốc hội trước khi khai mạc kỳ họp 20 ngày).
Trong khi đó, báo cáo tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối tuần qua, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan thẩm tra Dự án Luật Đất đai sửa đổi) cho biết, còn 13 vấn đề lớn hoặc là vẫn để 2 phương án, hoặc chưa chốt được phương án chắc chắn, cần tiếp tục xin ý kiến.
Trong 13 vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau vẫn bao gồm cả quy định về giá đất và thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đều là những vấn đề được cho là cốt lõi của lần sửa đổi này.
Trong Chương XI về giá đất, quy định về tiền thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm là vấn đề được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.
Dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm quy định, tiền thuê đất hằng năm được ổn định cho chu kỳ 5 năm tính từ thời điểm Nhà nước quyết định cho thuê đất. Tiền thuê đất cho chu kỳ tiếp theo được tính căn cứ bảng giá đất năm đầu tiên của chu kỳ tiếp theo; trường hợp tiền thuê đất tăng so với chu kỳ trước, thì tiền thuê đất phải nộp được điều chỉnh tăng không quá 15% so với chu kỳ trước đó.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở quy định mức tỷ lệ 15%. Quá trình rà soát đề xuất phương án tính toán theo tổng Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) của 5 năm trước đó, tuy nhiên, CPI cũng là chỉ số biến thiên, do đó, tính dự báo chưa cao.
Vì vậy, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, Dự thảo thiết kế 2 phương án.
Phương án 1: giữ quy định như Dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm, quy định tiền thuê đất phải nộp được điều chỉnh tăng không quá 15% so với chu kỳ trước đó.
Phương án 2: giao Chính phủ quy định mức trần tỷ lệ điều chỉnh tăng tiền thuê đất cho chu kỳ tiếp theo phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ để bảo đảm tính linh hoạt trong quá trình Chính phủ điều hành nền kinh tế.
Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết, nhưng không quá mức trần tỷ lệ điều chỉnh tăng quy định tại Luật (tổng CPI của giai đoạn trước đó).
Về các phương pháp định giá đất, Dự thảo quy định cụ thể nội hàm của từng phương pháp định giá đất và trường hợp áp dụng từng phương pháp cụ thể. Tuy nhiên, về nội hàm và trường hợp áp dụng từng phương pháp cụ thể cũng còn ý kiến khác nhau (có phương án được thiết kế trên cơ sở báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, phương án khác được thiết kế theo ý kiến chuyên gia).
“Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, đây là nội dung quan trọng, vì vậy, cần có đề xuất chính thức của Chính phủ”, ông Vũ Hồng Thanh nêu quan điểm.
Tương tự, nhiều nội dung khác như dự án sử dụng quỹ đất do Nhà nước tạo lập, về Quy hoạch Sử dụng đất quốc gia…, Dự thảo cũng vẫn để 2 phương án.
Cho rằng, cơ quan soạn thảo có trách nhiệm rất lớn, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nói: “Đến giờ phút này, không thể để 2 phương án, đưa ra 2 phương án có nghĩa bản thân mình chưa rõ, mình mới để với 2 phương án”.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu rõ: “Với tính chất quan trọng và phức tạp, quá trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo tiếp tục nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Các nội dung tại Dự thảo mới chỉ là dự kiến bước đầu, cần tiếp tục được rà soát kỹ lưỡng, cẩn trọng. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hồ sơ Dự thảo phải được gửi xin ý kiến Đoàn đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp. Với yêu cầu như vậy và trong điều kiện thời gian từ nay đến kỳ họp không còn nhiều, công tác hoàn thiện Dự thảo bảo đảm chất lượng tiếp tục là một thách thức lớn đối với các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ”.
Tổng Hợp
(ĐTCK)