Không còn “ngủ đông” hoàn toàn như thời điểm cuối năm 2022 và đầu năm 2023, từ quý III/2023 trở lại đây, thị trường bất động sản phía Nam bắt đầu ghi nhận giao dịch trở lại dù còn nhỏ giọt…
Trong khi đó, các phân khúc mang tính chủ lực của thị trường liên quan nhiều đến chủ đầu tư, doanh nghiệp môi giới và nhà đầu tư cá nhân tập trung vào dòng sản phẩm hình thành trong tương lai, đất vùng ven… vẫn “đứng hình”.
Theo ghi nhận, từ đầu quý III/2023 đến nay, sau khi các ngân hàng nới lỏng việc “bơm vốn” để các chủ đầu tư có nguồn lực tái khởi động xây dựng dự án cũng như triển khai công tác bán hàng, thế nhưng kết quả dường như chưa như mong đợi.
Đại diện chủ đầu tư một dự án căn hộ tại Bình Dương chia sẻ, từ tháng 7 đến nay, doanh nghiệp đã 2 lần tổ chức sự kiện bán hàng và dù được quan tâm, nhưng không nhiều người “chốt deal”.
“Những tưởng sau thời gian khó khăn, dự án được cơ quan chức năng cấp phép đủ điều kiện bán hàng thì người mua sẽ xuống tiền, nhưng thực tế không hẳn vậy”, vị đại diện này nói, đồng thời cho biết, mặc dù các đợt bán hàng lần này doanh nghiệp đưa ra chính sách thanh toán linh hoạt đi kèm nhiều ưu đãi, song vẫn chưa đủ thuyết phục, có lẽ chướng ngại lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay vẫn là tâm lý phòng thủ, chờ đợi còn quá lớn.
Không chỉ doanh nghiệp trên, mà nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản khác, từ các đơn vị môi giới đến các nhà phát triển dự án, cũng bày tỏ sự quan ngại trước tâm lý này.
Lãnh đạo một tập đoàn bất động sản lớn tại TP.HCM cho hay, mặc dù thị trường đang đón nhận những thông tin tích cực như thủ tục pháp lý dự án dần được gỡ vướng, ngân hàng cho vay trở lại…, nhưng đầu ra vẫn chỉ nhích tăng.
“Do vậy, trong năm nay, chúng tôi gác lại toàn bộ kế hoạch bán hàng, mục tiêu trọng tâm trong những tháng cuối năm là tiếp tục tái cơ cấu nợ, tiết giảm tối đa các chi phí. Hiện nay, chúng tôi đã cơ bản đàm phán thành công các khoản nợ trái phiếu đến hạn sang năm 2024 với hy vọng tình hình thị trường sáng sủa hơn, doanh nghiệp sẽ đưa sản phẩm ra thị trường để có dòng vốn xoay xở”, vị lãnh đạo này nói.
Với phân khúc đất nền, thời điểm diễn ra sốt đất giai đoạn 2018-2021, làn sóng nhà đầu tư khắp nơi đổ xô về vùng ven săn đất vườn, đất rẫy, hoặc tìm đến các vùng đất xa xôi có thông tin về quy hoạch đường cao tốc, sân bay… để gom đất đón đầu quy hoạch, thì nay đều đang “kẹt cứng”.
Ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Asia New Time cho biết, trong những năm trước, giới đầu tư nhiều người “hốt bạc” nhờ đầu tư vào đất.
“Đã có nhiều nhà đầu tư kiếm bộn từ đất, sau đó đều tái đầu tư trở lại. Do vậy, đến thời điểm hiện tại, hầu hết nhà đầu tư vào đất vùng ven đều bị kẹt lại”, ông Tiến nói và cho rằng, đây là một trong những nguyên nhân khiến dòng tiền hạn chế vào bất động sản lúc này, chỉ khi nào thoát được hàng cũ thì mới đổ tiền vào thị trường.
Có lẽ chướng ngại lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay vẫn là tâm lý phòng thủ, chờ đợi còn quá lớn.
Tổng Hợp
(ĐTCK)