Sau hơn 2 năm dịch bệnh Covid-19 và tiếp theo là cú bồi suy thoái kinh tế, tình trạng khó khăn đã thấm sâu đến tận gốc rễ không chỉ với doanh nghiệp địa ốc, mà cả với giới đầu tư nên thị trường địa ốc cần có thời gian để phục hồi.
Song theo nhận định của các thành viên giàu kinh nghiệm, những chỉ báo tích cực đến từ sự thẩm thấu của các chính sách, sự chuyển động của dòng tiền và lãi suất hạ nhiệt, thị trường địa ốc đã bước vào giai đoạn cuối của chu kỳ khó khăn và từng bước phục hồi.
Ở góc độ thị trường, những áp lực “sốc” như tình trạng bán tháo để trả nợ, những cuộc đòi tiền tập thể, doanh nghiệp viết tâm thư… đã vơi đi phần nào. Những tín hiệu tan băng trên diện rộng dù chưa diễn ra, song sự gượng dậy của thị trường đã dần lộ diện. Dòng tiền bắt đầu quay lại với bất động sản, thể hiện qua việc nhiều chủ đầu tư rục rịch triển khai các dự án lớn.
Ghi nhận của phóng viên Đầu tư Chứng khoán cho thấy, sau thời gian dài án binh bất động, một loạt doanh nghiệp địa ốc phía Nam gần đây khởi động trở lại các dự án. Điều này nói lên thực tế, nhiều dự án đã được tháo gỡ khó khăn về thủ tục, đồng thời các ngân hàng bắt đầu “bơm vốn”. Nói như ông Đoàn Thanh Ngọc, Tổng giám đốc Công ty Property X, chưa thể nói là thị trường sôi động, song việc nhiều dự án đồng loạt khởi động là tín hiệu về việc dòng tiền bắt đầu được bơm vào thị trường địa ốc.
“Sẽ có độ trễ nhất định cho sự phục hồi của thị trường sau cơn bạo bệnh, song có thể thấy được là thị trường đang từng bước được cải thiện và chờ thời điểm để bật lên”, ông Ngọc nói.
Mặc dù vậy, bối cảnh chung vẫn có những gam màu xám. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn khó khăn, biểu hiện qua con số GDP 6 tháng chỉ tăng 3,72%, 8 tháng xuất siêu hơn 20 tỷ USD nhưng nhập khẩu giảm mạnh, bình quân một tháng có 15.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (nhiều hơn cùng kỳ năm trước)…
“Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, kéo lãi suất huy động giảm 3 – 4%/năm, lãi suất cho vay giảm ít nhất 2%/năm, nhưng con số này chưa đủ để hỗ trợ các doanh nghiệp. Ngân hàng “thừa tiền” khi tăng trưởng tín dụng 8 tháng chỉ đạt 5,3%, trong khi mục tiêu cả năm là 14%”, ông Hiếu nói và cho rằng, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng nên không cần thêm vốn phục vụ sản xuất – kinh doanh.
Các chuyên gia nhận định, với thị trường bất động sản, vấn đề khai thông nguồn vốn có lẽ phải tiếp tục chờ đợi. Lãi suất cho vay đang giảm, nhưng chưa phải là “cây đũa thần”, vì việc tiếp cận vốn không dễ dàng. Tuy nhiên, bất động sản là lĩnh vực có nhiều có nhiều cơ hội chờ đợi ở phía trước, khi dòng tiền được khơi thông.
Đại diện hầu hết thành viên thị trường có chung nhận xét, dù chưa thật sự thoát khỏi khó khăn, song thực tế thị trường đã bớt ngột ngạt hơn trước nhiều. Niềm tin thị trường dần hồi phục, khách hàng quan tâm đến bất động sản nhiều hơn.
Ghi nhận tại các doanh nghiệp địa ốc tung sản phẩm ra thị trường gần đây, kết quả bán hàng tốt hơn so với những tháng đầu năm.
Động lực của thị trường là chính sách phát triển hạ tầng và “điểm rơi” của các công trình hạ tầng đưa vào khai thác. Thời gian qua, kế hoạch đầu tư công của Chính phủ đối với khu vực phía Nam rất nhiều, từ sân bay, vành đai, đường cao tốc…, việc đẩy mạnh hạ tầng để thúc đẩy kinh tế sẽ giúp thị trường bất động sản hưởng lợi.
Ở khu vực phía Bắc, các dự án mở bán hiện nay khá xa trung tâm, nhờ hệ thống hạ tầng đã phát triển. Tương tự, khu vực phía Nam với các tuyến đường vành đai, cao tốc sẽ tạo ra xu hướng xây dựng các đô thị ly tâm, nhất là khi quỹ đất khu vực trung tâm không còn nhiều và chi phí cao. Đây là cơ hội của Bình Dương, Long An, hay các huyện vùng ven TP.HCM như Bình Chánh, Củ Chi, khi hệ thống tuyến đường vành đai hình thành.
Tổng Hợp
(Báo Đầu Tư)