Nhìn nhận trong 10 năm trở lại đây kể từ sau giai đoạn khủng hoảng, thị trường đã có sự tăng trưởng rất nóng. Thanh khoản trên thị trường bất động sản bắt đầu tăng trở lại trong quý III/2023.
Chia sẻ với Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) – tổ chức quốc tế có trụ sở tại Singapore chuyên thực hiện khảo sát kinh tế vĩ mô và tài chính của các thành viên ASEAN, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc chiều ngày 28/9/2023, ông Đính cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam là một thị trường tương đối trẻ, chính thức hình thành và phát triển hơn 20 năm.
Hơn 20 năm, thị trường đã có những bước phát triển vượt bậc và đóng giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như tạo động lực tăng trưởng cho ít nhất 40 ngành nghề kinh tế có liên quan. Nhìn nhận trong 10 năm trở lại đây kể từ sau giai đoạn khủng hoảng, thị trường đã có sự tăng trưởng rất nóng.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, thị trường đã bắt đầu bộc lộ những khiếm khuyết, tuy chưa tới mức khủng hoảng như giai đoạn 10 năm trước, nhưng những nút thắt từ pháp lý tới dòng vốn đang khiến thị trường tắc nghẽn, từ đó cũng gây cản trở tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt, vấn đề về pháp lý, ông Đính cho biết, sau 10 năm, nhiều sắc luật đã tỏ ra lạc hậu với nhiều quy định không phù hợp hoặc bao trùm với các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn. Điểm nghẽn pháp lý khiến ít nhất gần 1.000 dự án bất động sản không thể triển khai, làm nguồn cung suy giảm đột ngột, trong khi nhu cầu nhà ở trong dân vẫn rất lớn, đẩy giá nhà đất lên cao. Chưa kể, nhiều loại hình sản phẩm mới như condotel, officetel không được thừa nhận về mặt pháp lý khiến cho một nguồn lực lớn về kinh tế không được phát huy và tận dụng đầy đủ.
Kể từ đầu năm 2023 đến nay, tổng lượng giao dịch 3 quý đạt chỉ khoảng 10.000 sản phẩm từ các dự án ở thị trường sơ cấp, chưa được 10% so với cùng thời điểm 2018, 2019, trước đại dịch Covid-19. Chính phủ dường như đang quan sát rất kỹ tình trạng sức khỏe của các doanh nghiệp và môi giới bất động sản để có những chỉ đạo sát sao nhất, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các nhóm đối tượng này.
Đặc biệt, Nghị quyết số 33/NQ-CP được ban hành với mục tiêu thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững, từng bước gỡ khó cả về câu chuyện pháp lý các dự án, trái phiếu, và đặc biệt dòng vốn khi chính sách kinh tế vĩ mô “đổ nền” đủ tốt, nhờ đó giúp Ngân hàng Nhà nước có cơ hội điều chỉnh hạ lãi suất điều hành.
Mới đây nhất, việc quyết định tạm hoãn thực hiện một số quy định hạn chế cho vay trong Thông tư số 06/2023/TT-NHNN trước những ý kiến phản hồi và đề xuất của các đối tượng tham gia thị trường cũng cho thấy sự lắng nghe, đồng hành và ủng hộ từ phía Chính phủ.
Trong quý I/2023, giao dịch rất thấp khoảng 3.000 sản phẩm, sang quý II/2023 lên 4.000 sản phẩm. 2 tháng đầu của quý III/2023 đã có khoảng 200 – 300 dự án quay trở lại chào bán với gần 5.000 sản phẩm được giao dịch thành công. Mặc dù số tăng so với thời điểm bình thường còn rất nhỏ, nhưng điều này cho thấy đã bắt đầu có dấu hiệu về khả năng mua bán trên thị trường.
Với các sản phẩm có pháp lý đầy đủ, được phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín, phù hợp với thị hiếu của người dân, giá bán đã ghi nhận mức tăng nhẹ trở lại. Khi tâm lý khách hàng, nhà đầu tư dần ổn định, “làn sóng bán cắt lỗ” cũng có dấu hiệu được kiểm soát. Nhìn chung, thị trường có thanh khoản hơn, chủ đầu tư giải quyết được hàng tồn và có dòng tiền. Các sàn giao dịch, môi giới bất động sản cũng có nguồn thu nhập từ hoa hồng bán hàng. Toàn bộ thị trường sẽ dần được kích hoạt trở lại.
“Cái khó ló cái khôn, càng đối mặt với nhiều khó khăn, các doanh nghiệp, môi giới bất động sản càng cho thấy sự thay đổi tích cực trong cách ứng biến của họ. Hàng loạt biện pháp nhằm đối phó được thực hiện, bao gồm: Tái cơ cấu doanh nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, áp dụng chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ…”, ông Đính nhấn mạnh.
Sau rất nhiều động lực ngoại biên, theo ông Đính, chính sự vận động nội tại của các doanh nghiệp và môi giới bất động sản cũng góp phần không nhỏ vào sự thúc đẩy khả năng phục hồi.
Tổng Hợp
(ĐTCK)