Nhìn vào thực tế, khả năng giảm giá điện trong thời gian tới là rất khó khăn. Trước hết là tình trạng “sức khỏe” tài chính của EVN.
Lãnh đạo EVN cho hay tập đoàn đang nỗ lực để cung cấp điện cho cả vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Khi đầu tư để thực hiện hoạt động này, giá điện bán ra có thể lên đến 7.000 đồng/kWh, tuy nhiên hiện nay EVN chỉ bán với mức giá từ 1.900 kWh.
Cùng với đó, 2022 là một năm rất khó khăn đối với EVN do những bất ổn địa chính trị ở trên thế giới. Khi chiến tranh Nga – Ukraine xảy ra, các mặt hàng đầu vào phục vụ cho sản xuất điện như than, khí, dầu… tăng đột biến. Có thời điểm, giá than đã tăng gấp 5 lần, lên đến 400 USD/tấn. Giá dầu cũng tăng gấp đôi. Điều này khiến giá vốn sản xuất điện tăng lên, đẩy giá điện mua vào cũng tăng theo, gây ra những khó khăn tài chính cho EVN. Sang đến năm 2023, giá các mặt hàng cũng đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao.
Theo đó, đại diện EVN cho rằng, mặc dù giá điện đã tăng 3% nhưng cũng chỉ giải quyết được một phần nào.
Mới đây, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gửi Bộ KH&ĐT trong 8 tháng năm 2023, EVN ghi nhận số lỗ lũy kế hơn 28.700 tỷ đồng. Như vậy, nếu tính chung lỗ 26.500 tỷ đồng của năm 2022 (chưa bao gồm các khoản chênh lệch tỷ giá) và 8 tháng của năm 2023, công ty mẹ EVN lỗ tổng cộng trên 55.000 tỷ đồng.
Thực tế, ngoài khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng trong năm 2022 do biến động quá cao của giá nhiên liệu cho phát điện, EVN còn khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá từ các năm trước chưa được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 gồm phần còn lại khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện năm 2019 với số tiền khoảng 3.016 tỷ đồng; năm 2020 khoảng 4.567 tỷ đồng; năm 2021 hơn 3.702 tỷ đồng và năm 2022 khoảng 3.440 tỷ đồng.
Trong khi giá bán đầu ra tăng 3% từ ngày 4/5 chưa thể giúp EVN bớt căng thẳng về dòng tiền. Ước tính với giá điện tăng 3%, EVN thu khoảng 8.000 tỷ đồng trong 7 tháng cuối năm 2023, mức này bằng 1/5 số lỗ và chênh lệch tỷ giá ghi nhận của EVN trong năm 2022.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo sửa đổi Quyết định 24/2017 của Chính phủ về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Trong đó, nội dung đáng chú ý nhất tại dự thảo này là cho phép EVN thu hồi khoản chênh lệch tỷ giá, khoản lỗ sản xuất kinh doanh, tính giá điện dựa trên quy định pháp luật.
Với các khoản chênh lệch tỷ giá, lỗ do sản xuất kinh doanh “khổng lồ” trên, nếu được phân bổ vào công thức tính có thể khiến giá điện tăng sốc, chứ chưa nói tới câu chuyện giảm. Thực tế, giá điện giảm vẫn là “giấc mơ” xa vời với người dùng điện, bởi sản xuất điện vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu đầu vào nhập khẩu, không chỉ với điện than.
Cụ thể, đối với điện khí LNG, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho hay, đây là nguồn điện lớn có khả năng vận hành ổn định, hiệu suất cao (có thể đạt trên 62%) có thể bù đắp thiếu hụt công suất tức thời cho hệ thống (trong trường hợp các nguồn năng lượng tái tạo dừng phát điện) do các nhà máy điện khí có khả năng khởi động nhanh.
Tuy nhiên, LNG là một loại hình nguồn điện mới tại Việt Nam và chưa có dự án nào đã đi vào vận hành. Một trong những khó khăn là Việt Nam không chủ động được nguồn cấp LNG do hoàn toàn phải nhập khẩu loại nhiên liệu này.
Do vậy, trong bối cảnh địa chính trị thế giới có nhiều thay đổi khó lường, giá nhiên liệu LNG biến động thất thường và vì thường chiếm tỉ lệ từ 70-80% giá thành điện năng sản xuất nên “việc xây dựng cơ chế giá phù hợp để thích nghi với những thay đổi giá nhiên liệu nhưng không tác động quá lớn tới giá bán lẻ điện là thách thức rất lớn với Việt Nam”, ông Hùng chia sẻ.
Theo đó, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế bày tỏ, chúng ta luôn nhấn mạnh tới quan điểm tự chủ nguồn năng lượng, nhưng thực tế nguồn để tạo ra điện, khí, xăng dầu vẫn đang phụ thuộc khá lớn vào nước ngoài. “Chúng ta có tiềm năng gió, mặt trời, thủy triều, nước… nhưng tất cả những yếu tố này cũng nhờ trời. Đây là vấn đề mà ngành năng lượng của Việt Nam cần lời giải.
Thực tế, giá điện không chỉ chịu áp lực tăng bởi các nguồn năng lượng truyền thống mà còn thách thức khi chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, bởi phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu. Theo GS. TS. Hoàng Xuân Cơ, Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh, Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn như thiếu điều tra nghiên cứu cơ bản, chưa sản xuất được thiết bị phát điện gió, điện mặt trời, thiết bị chuyển đổi và nối lưới làm tăng giá thành sản xuất điện.
Do đó, ông Cơ đề xuất EVN, Bộ Công Thương tính toán cả giá thành điện gió và giá thành điện mặt trời ở những khu vực có tiềm năng, tìm ra khoảng giá trị từ đó ước tính và đề xuất Chính phủ định mức hỗ trợ (qua giá mua điện) hợp lý. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng cần sớm đưa ra lộ trình tăng giá bán điện cho người tiêu dùng trên cơ sở tăng mua điện gió, điện mặt trời giá cao trong giai đoạn tới, trước mắt là đến năm 2030.
Về phía người dân và doanh nghiệp, chuyên gia Cơ cho rằng cần phải sớm có phương án điều chỉnh mức sử dụng điện hợp lý và hiệu quả theo hướng tiết kiệm. Trường hợp mức tăng giá điện hợp lý thì phải coi đây là mức “sẵn lòng trả” để có điện sạch cho tiêu dùng.
“Khi chuyển sang điện xanh, việc tăng giá điện sẽ không tránh khỏi, nhưng cũng phải xem xét lộ trình để tránh gây xáo trộn lớn trong hoạt động kinh tế và đời sống người dân”, GS. TS. Hoàng Xuân Cơ nói.
Đã có nhiều quan điểm lo ngại rằng nếu Nhà nước bỏ quản lý, người nghèo sẽ đói, giá gạo “leo thang”. Tuy nhiên, thật kỳ diệu khi chuyển giá gạo sang thị trường thì người dân no đủ, không cần sự can thiệp của Nhà nước và thị trường quyết định giá gạo, nông dân được hưởng lợi, người tiêu dùng cũng hưởng lợi. Bài học này cần tiếp tục được thực hiện với mặt hàng xăng dầu và điện. Giá điện cần chuyển sang một giai đoạn phát triển mới – đó là rời khỏi “bàn tay” quản lý của Nhà nước, được đánh giá là một động lực tăng trưởng kinh tế mới của Việt Nam.
Tổng Hợp
(VNB)