Trong lúc tỷ giá đang ở ngưỡng cao ngất Ngân hàng Nhà nước tăng hút tiền, tỷ giá có hạ nhiệt?
Cụ thể, tỷ giá trung tâm giữa VND với USD do NHNN công bố sáng ngày 26/9 ở mức 24.084 đồng, tăng 8 đồng so với hôm qua (25/9). Giá USD của Sở Giao dịch NHNN chiều bán ra lên 25.229 đồng, tăng 16 đồng so với cuối tuần qua.
Còn giá USD niêm yết tại các ngân hàng thương mại trong sáng 26/9 tiếp tục tăng so với cuối ngày 25/6. Tại Vietcombank lúc 10h00, tỷ giá USD ở mức 24.215-24.585 đồng (mua – bán), tăng 00 đồng so với cuối ngày trước đó.
Thậm chí, giá USD tại ngân hàng cổ phần tư nhân còn được niêm yết ở mức cao hơn như: Eximbank tăng 30 – 40 đồng so với ngày 25/9, niêm yết 24.150 đồng mua vào và bán ra lên 24.550 đồng.
Trong khi đó, giá USD tự do được mua vào 24.350 đồng và bán ra 24.450 đồng, tăng 30 đồng ở chiều mua vào và tăng 50 đồng ở chiều bán ra. Mặc dù tăng cao hơn so với ngày hôm qua, nhưng giá USD tự do vẫn đang thấp hơn ngân hàng khoảng 100 – 110 đồng.
Trên thị trường quốc tế, sức khỏe của đồng đô la Mỹ tiếp tục đi lên khi chỉ số USD-Index lên sát ngưỡng 106 điểm. Đồng bạc xanh tăng cao nhất trong vòng nửa năm qua.
Giới phân tích cho rằng, đồng USD mạnh lên là nguyên nhân chủ yếu lý giải cho đà tăng của tỷ giá trong thời gian vừa qua. Các nhà đầu tư đang lo ngại sự phân cực ngày càng lớn giữa chính sách tiền tệ của Mỹ và Ngân hàng Trung ương các nước khu vực châu Á, mà đại diện là Trung Quốc, Nhật Bản… nên chuyển sự chú ý sang đồng USD, khiến chỉ số sức mạnh USD tăng liên tục trong 3 tháng gần đây.
Sau cuộc họp vào ngày 20/09, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục giữ lãi suất ổn định nhưng củng cố lập trường “diều hâu” với việc tăng lãi suất một lần nữa vào cuối năm nay.
Nhóm nghiên cứu của HSBC cũng đưa ra đánh giá, Fed sẽ giữ nguyên mức lãi suất điều hành ở mức hiện tại, và tiếp tục duy trì mặt bằng này trong nửa đầu năm sau.
Theo HSBC, hiện các chỉ số kinh tế vĩ mô của Mỹ vẫn đưa ra những tín hiệu chưa rõ ràng, khi kinh tế không cho thấy sự suy giảm đáng kể, trong khi lạm phát vẫn chưa hạ nhiệt về mức mục tiêu dài hạn của Fed.
Sau 11 lần tăng lãi suất kể từ tháng 3 năm ngoái, lạm phát ở Mỹ đã giảm mạnh nhưng vẫn chưa về mức mục tiêu 2%/năm.
Tỷ giá đã có những bước tăng mạnh trong trung tuần tháng 9 lên mức đỉnh lịch sử. Bên cạnh những yếu tố cơ bản về vĩ mô, nhu cầu ngoại tệ tăng cao của khách hàng trong giai đoạn cuối quý và sắp tới là cao điểm cuối năm cũng là một trong những nguyên nhân đằng sau.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán của HSBC Việt Nam, mức tăng của tỷ giá trong năm nay về cơ bản sẽ khác so với cùng kỳ năm trước, và sẽ ít biến động hơn. Nguồn cung ngoại tệ tương đối dồi dào.
Nhóm nghiên cứu HSBC đưa ra dự báo, cặp tỷ giá USD/VND sẽ tiếp nối đà tăng trong những tháng sắp tới, mặc dù mức độ biến động có thể không nhiều như giai đoạn cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu từ tổng cục hải quan, cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2023 sơ bộ xuất siêu 19,9 tỷ USD.
Vốn đầu tư FDI đăng ký cấp mới và điều chỉnh đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, số thực hiện ước đạt 13,1 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.
Do đó, ông Khoa cho rằng, có cơ sở để dự báo cung ngoại tệ hiện nay vẫn đủ cân đối cầu trên thị trường. Theo dự báo của Nhóm nghiên cứu HSBC, tỷ giá trung tâm có thể đạt mức 24.200 đồng/USD, tương đương mức giá khoảng 3,5% cho cả năm nay.
Các nhà phân tích của MBS cũng cho rằng, một vài yếu tố vĩ mô tích cực như: dòng vốn FDI giải ngân quay trở lại mạnh mẽ trong tháng 8 (tăng 24% so với cùng kỳ), lũy kế 8 tháng đầu năm ước đạt 13 tỷ USD (tăng 1,3% so với cùng kỳ).
Thặng dư thương mại 8 tháng năm 2023 ước đạt 20,1 tỷ USD, … sẽ góp phần giảm áp lực tăng giá tỷ giá vào cuối năm này.
Theo đó, MBS dự báo, tỷ giá có thể giao động trong khoảng 24.300 – 24.500 đồng/USD trong những tháng cuối năm, với giả định Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản nữa trong tháng 11/2023.
Còn USD/VND cập nhật trong báo cáo phân tích về triển vọng kinh tế quý IV vừa đưa ra của Ngân hàng UOB là 24.500 VND trong quý IV/2023, 24.000 VND trong quý I/2024, 23.800 VND trong quý II/2024 và 23.600 VND trong quý III/2024.
Theo các chuyên gia phân tích của UOB, ở một khía cạnh nào đó, sự giảm giá của VND phản ánh thực tế diễn biến kinh tế Việt Nam và xu hướng nới lỏng tiền tệ của cơ quan quản lý.
Nhìn chung, UOB duy trì quan điểm rằng đồng VNĐ sẽ diễn biến theo sát biến động của các đồng tiền châu Á, với tỷ giá USD/VNĐ duy trì ở mức cao trong quý IV/2023 trước khi giảm xuống mức thấp hơn bắt đầu từ quý I/2024.
Nhằm giảm bớt áp lực lên tỷ giá, trong ba phiên giao dịch gần đây, NHNN đã hút gần 30.000 tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu. Cụ thể, ngày 25/9, NHNN tiếp tục phát hành 10.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày. Tính chung trong 3 ngày (21-25/09), nhà điều hành đã hút về tổng cộng gần 30.000 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, NHNN có thể duy trì động thái này cho tới khi có những tín hiệu mới với nền kinh tế. Việc NHNN phát hành tín phiếu không tác động trực tiếp vào tỷ lệ thanh khoản hệ thống của ngân hàng.
Động thái hút tiền của NHNN được các chuyên gia đánh giá sẽ thúc đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng nhẹ và giảm áp lực tỷ giá.
Các nhà phân tích thị trường cho rằng, động thái hút tiền của NHNN chủ yếu là một giải pháp trong tình hình dư thừa thanh khoản và gián tiếp hỗ trợ tỷ giá, song không nhiều.
Để ổn định thị trường và kiểm soát tỷ giá nhà điều hành sẽ làm đồng thời cả hai nhiệm vụ. Một mặt hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá của các NHTM trong ngắn hạn, lượng hút là vừa đủ để cân bằng tỷ giá bước đầu và không gây ra căng thẳng thanh khoản trên liên ngân hàng.
Song song với đó là tiếp tục ban hành các chính sách giúp lãi suất thị trường 1 giảm và tín dụng khơi thông.
Tuy nhiên, dư địa giảm lãi suất không còn nhiều. Vì trong nửa đầu năm 2023, đi ngược chiều với xu hướng tăng lãi suất trên thế giới khi NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, đồng thời thông qua những công cụ của mình để tạo dư địa, thanh khoản cho thị trường nhằm giảm lãi suất đầu ra cho các ngân hàng.
Tổng Hợp
(ĐTCK)