Thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện có hơn 700.000 đại lý bảo hiểm nhân thọ cá nhân và tổ chức. Số lượng đông đảo cho thấy sức hấp dẫn của nghề này, nhưng tỷ lệ nghỉ việc trong thời gian ngắn luôn ở mức báo động, bình quân trên 80% đại lý bảo hiểm bỏ nghề sau 2 năm đầu.
Thậm chí, có thời điểm, khoảng 80% đại lý bảo hiểm nghỉ việc trong vòng 12 tháng đầu tiên bước chân vào nghề. Không ít đại lý chập chững vào nghề được vài tháng, chưa kịp biết đọc bảng minh họa bảo hiểm đã vội vàng rút lui.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng hợp đồng khai thác mới toàn thị trường bảo hiểm nhân thọ đạt 1.028.402 hợp đồng (sản phẩm chính), giảm 31,3% so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu phí khai thác mới đạt 15.508 tỷ đồng, giảm 38,2% so với cùng kỳ năm 2022, lần đầu tiên suy giảm trong 3 thập kỷ qua, trong khi mức tăng trưởng kép giai đoạn 2016 – 2021 là 23%/năm; tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt 77.831 tỷ đồng, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2022, trong khi mức tăng trưởng kép giai đoạn 2016 – 2021 là 26%/năm.
Số lượng hợp đồng có hiệu lực (sản phẩm chính) tính đến cuối tháng 6/2023 là 13.354.376 hợp đồng, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, năm 2022, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã đưa hơn 3.100 đại lý bảo hiểm vào danh sách vi phạm, không được hành nghề trong ít nhất 5 năm (tính chung cả kênh truyền thống và kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng). Lũy kế giai đoạn 2020 – 2022, số lượng đại lý bảo hiểm bị đưa vào “danh sách đen” là hơn 9.000, bao gồm cả những người tư vấn mập mờ, nói sai sự thật về sản phẩm bảo hiểm.
Áp lực về KPI (doanh số) khiến hy vọng về việc tạo ra những tư vấn viên bảo hiểm chuyên nghiệp, toàn thời gian của ngành bảo hiểm vẫn chỉ là ước mơ. Những lùm xùm trong khâu tư vấn ở kênh đại lý truyền thống kéo dài được kỳ vọng sẽ cải thiện khi xuất hiện thêm kênh phân phối mới là các đại lý tổ chức, điển hình là kênh phân phối qua ngân hàng. Nhưng cuối cùng, theo Bộ Tài chính, tuy giúp hoạt động khai thác bảo hiểm thêm đa dạng, doanh số được đẩy mạnh, nhưng kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng lại tạo ra những vấn đề phức tạp trong thời gian gần đây, nên cần nhìn nhận lại và chấn chỉnh để hoạt động lành mạnh, đúng hướng.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thị trường bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng nhanh về “lượng”, nhưng “chất” chưa có sự phát triển tương xứng. Điển hình là thời gian vừa qua, thị trường bảo hiểm nhân thọ đã phát sinh các vấn đề về chất lượng hoạt động tư vấn, cũng như dịch vụ chăm sóc và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng.
Liên quan đến truyền thông, ghi nhận từ các cơ quan báo chí, các đơn vị chuyên tổ chức sự kiện truyền thông cho thấy, hoạt động truyền thông về bảo hiểm của toàn ngành hiện vẫn chưa tương xứng với doanh thu, dù Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu rõ, một trong những giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm là đẩy mạnh tuyên truyền về bảo hiểm.
Ngược lại, các doanh nghiệp bảo hiểm dồn ngân sách cho khâu quảng bá bán hàng, giảm dần chương trình truyền thông về bảo hiểm, khiến phần lớn người tiêu dùng chưa phân biệt các loại hình sản phẩm bảo hiểm, chưa hiểu được bảng minh họa sản phẩm, các điều khoản loại trừ bảo hiểm, ý nghĩa của “21 ngày cân nhắc”… Đáng chú ý, do truyền thông hạn chế nên có những khách hàng chưa nhận biết được mối quan hệ giữa đại lý bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, dẫn đến nộp phí bảo hiểm cho đại lý đã nghỉ việc.
Do đó, để định vị lại nghề bảo hiểm, ngoài việc đào tạo bài bản đội ngũ từ phía doanh nghiệp bảo hiểm, tăng cường khâu giám sát từ phía cơ quan quản lý nhà nước, thì hoạt động truyền thông về bảo hiểm cần được đẩy mạnh.
Tổng Hợp
(ĐTCK)