Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiếp tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm trong tháng 9/2023. Hiện mặt bằng lãi suất huy động của ngành ngân hàng đã gần trở về mức trước đại dịch Covid-19.
Chẳng hạn, VPBank giảm tới 1%/năm lãi suất ở nhiều kỳ hạn, đưa lãi suất xuống sâu dưới mức 6%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 – 13 tháng còn 5,5 – 5,8%/năm, thấp hơn trước khoảng 0,8 – 1%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 15 – 36 tháng giảm từ 5,8%/năm xuống 5,1 – 5,4%/năm. Với kỳ hạn 1 – 3 tháng, lãi suất từ 4,4 – 4,75%/năm. Tại ACB, lãi suất huy động cao nhất 5,8%/năm áp dụng cho kỳ hạn gửi từ 6 tháng trở lên, với hình thức tiết kiệm trực tuyến.
Ngay cả với nhà băng quy mô nhỏ như VietABank, mức lãi suất huy động cao nhất cũng chỉ còn 6,4%/năm cho kỳ hạn 12 – 36 tháng. Ở kỳ hạn 6 tháng, NCB, SCB và PG Bank áp dụng lãi suất 6,3%/năm, GPBank là 5,7%/năm, OceanBank là 6%/năm. Khác với trước, lãi suất tiền gửi trực tuyến ở các ngân hàng không quá chênh lệch so với hình thức gửi tại quầy.
Giới phân tích cho rằng, dư địa để giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước không còn nhiều và mặt bằng lãi suất tiết kiệm khó giảm sâu thêm.
Theo TS. Châu Đình Linh, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, dư địa để giảm lãi suất hiện đã thu hẹp, vì từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại giảm mạnh lãi suất huy động và cho vay xuống gần mức thấp nhất trong giai đoạn dịch Covid-19. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước còn ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép các ngân hàng cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, nhằm hỗ trợ các khách hàng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Hiện Ngân hàng Nhà nước đang đối diện với bài toán được và mất, bởi cơ quan này phải cùng lúc đảm nhận nhiều nhiệm vụ, mục tiêu và có những mục tiêu mang tính chất đánh đổi. Nếu hạ lãi suất có thể hỗ trợ doanh nghiệp, giúp khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế, nhưng thách thức đến từ lạm phát, tỷ giá đang dần hiện hữu.
TS. Châu Đình Linh cho rằng, lạm phát vẫn là một mối lo, bởi kinh tế thế giới chưa phục hồi, giá dầu tăng, giá nguyên vật liệu tăng khiến áp lực lạm phát đối với Việt Nam có thể tăng trong thời gian tới. Đối với tỷ giá, lãi suất tại Việt Nam giảm, trong khi các nước vẫn thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất, dẫn đến chênh lệch lãi suất giữa nội tệ và ngoại tệ nới rộng. Theo đó, dòng vốn ngoại có thể dịch chuyển đến những nơi có lãi suất cao hơn, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới tỷ giá.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng nhận định, lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm, nhưng dư địa không còn nhiều, mức giảm từ nay đến cuối năm chỉ khoảng 0,5%/năm. Đồng thời, việc giảm lãi suất ở thị trường trong nước còn tùy thuộc vào tình hình thế giới. Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào tháng 9 này, thì Việt Nam khó giảm sâu lãi suất, vì tỷ giá có thể tăng, gây bất ổn thị trường ngoại hối.
Hiện lãi suất tiền gửi tiết kiệm đã trở về gần mức trước đại dịch Covid-19. Sở dĩ các ngân hàng giảm mạnh lãi suất huy động thời gian qua vì thanh khoản dồi dào. Trong khi đó, tín dụng tăng chậm, thậm chí dư nợ cho vay của hệ thống cuối tháng 7/2023 giảm so với cuối tháng 6. Tăng trưởng tín dụng đến ngày 29/8/2023 được cải thiện khi đạt 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,87% của cùng kỳ năm ngoái, cũng như mục tiêu cả năm 2023 tăng 14%.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, mặt bằng lãi suất huy động 12 tháng trung bình hiện nay là 6,08%/năm, giảm 0,1%/năm so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 2,35%/năm so với cuối năm 2022.
Tổng Hợp
(ĐTCK)