So với thời điểm cuối năm 2022, khó khăn lúc này dù đã vơi bớt, nhưng theo lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, sức ép vẫn đang đè nặng khi chưa biết làm thế nào để có dòng tiền phục vụ hoạt động kinh doanh cũng như trả nợ.
Theo ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Phú Đông Group, cái khó cơ bản và lớn nhất của thị trường, của doanh nghiệp hiện nay là thiếu hụt dòng tiền.
“Với một doanh nghiệp bất động sản, tiền được ví như mạch máu nuôi cơ thể, không có máu thì cơ thể không thể sống, ông Phúc ví von và cho biết, doanh nghiệp địa ốc có 3 kênh huy động vốn chính là tín dụng ngân hàng, phát hành trái phiếu và từ việc bán hàng. Trong đó, tín dụng ngân hàng và hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang bị kiểm soát rất chặt chẽ nên không dễ tiếp cận. Sự sống còn của doanh nghiệp phụ thuộc vào kết quả bán hàng, song cái khó là đầu ra của thị trường vẫn đang bế tắc.
“Giải pháp gỡ khó khả dĩ nhất cho doanh nghiệp lúc này là làm thế nào tạo ra thanh khoản cho thị trường, mà muốn có thanh khoản thì phải tạo được niềm tin cho người mua thông qua các chính sách kích cầu, hỗ trợ vốn vay và lãi suất, tháo gỡ vướng mắc thủ tục pháp lý dự án, gia tăng sự minh bạch trên thị trường…”, ông Phúc nhấn mạnh.
Theo ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Asia New Time, trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, hiếm có doanh nghiệp nào không vay nợ, song thị trường đang diễn ra tình trạng “nợ dây chuyền”: Chủ đầu tư nợ ngân hàng, nợ nhà thầu; nhà thầu nợ các đơn vị cung ứng vật liệu xây dựng; đơn vị môi giới nợ phí môi giới, nợ lương nhân viên…, xuất phát từ việc thiếu hụt dòng tiền do thị trường mất thanh khoản.
“Để khơi thông thanh khoản, các doanh nghiệp đều trông đợi thị trường bất động sản sẽ sớm phục hồi”, ông Tiến nói và chia sẻ thêm rằng, thị trường vừa trải qua “một cơn bạo bệnh” nên khó có thể hồi phục trong một sớm một chiều. Do đó, điều quan trọng nhất hiện nay là doanh nghiệp phải tồn tại được, vì muốn phát triển thì trước hết phải còn tồn tại.
Chia sẻ kế hoạch kinh doanh những tháng cuối năm, ông C – chủ tịch Hội đồng quản trị một doanh nghiệp địa ốc tại Bình Dương nhắc lại câu nói cách đây hơn một năm, đó là “ngồi yên chờ thời”, bởi theo ông, trước tình hình thị trường còn chứa đựng nhiều yếu tố khó lường như hiện nay, càng làm càng đổ nợ.
Ông C. kể, cuối năm ngoái, doanh nghiệp ông tham gia phân phối độc quyền cho một dự án tại Vũng Tàu. Kết quả, dự án bán được hơn 100 căn hộ và được xem là hình mẫu thành công thời điểm đó. Thế nhưng, từ đó đến nay, chủ đầu tư dự án vẫn chưa trả phí bán hàng, trong khi để huy động đủ nhân sự phục vụ công tác bán hàng cho dự án, doanh nghiệp đã tuyển hơn 100 nhân viên bán hàng, phải tự lo chi phí marketing, lương nhân viên và phí môi giới…
“Dù biết chúng tôi đang rất khó khăn và liên tục thúc nợ, nhưng chủ đầu tư dù không nói không trả song cũng không có động thái nào khác ngoài việc cho biết chưa thu xếp được nguồn tiền trả nợ, cho nên buộc phải chờ”, ông C. chia sẻ và cho biết thêm, chờ đến lúc nào thì không biết, nhưng để tồn tại, doanh nghiệp phải bán tài sản, dự án, cắt giảm gần 80% nhân sự, co cụm hết cỡ… chờ đợi thị trường phục hồi.
Trong bối cảnh hiện nay, ngay cả những chủ đầu tư trường vốn cũng dễ gặp khó khăn vì luôn phải có nguồn vốn “gối đầu” cho các dự án. Bởi ngoài vốn chủ sở hữu, chủ đầu tư muốn thực hiện dự án thì phải cần vốn ngân hàng, nhưng hiện không dễ vay. Cùng với đó, việc tiếp cận tín dụng của người mua nhà cũng gặp không ít trở ngại. Nhìn chung, các thành viên thị trường đều đang gặp khó khăn, từ chủ đầu tư, đơn vị phân phối tới người mua nhà.
Về phía doanh nghiệp, theo tôi, trong lúc này có lẽ sẽ không mong phát triển thế nào, mà hơn hết là làm sao để tồn tại.
Tổng Hợp
(Báo Đầu Tư)