Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế – xã hội TPHCM chiều 14/9, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, sẽ có nhiều chính sách hỗ trọ và chương trình cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, lãi suất tối đa 4%/năm…
Ông Lệnh cho biết mục tiêu tăng trưởng tín dụng của TPHCM trong 3 tháng còn lại của năm sẽ tập trung theo hướng ổn định, phát triển kinh tế, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Với mục tiêu này, giải pháp thứ nhất là tăng cường kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp, với nội hàm gắn liền các chương trình tín dụng của Chính phủ, NHTW.
Đặc biệt, NHNN chi nhánh TPHCM sẽ đẩy mạnh gói hỗ trợ lãi suất 2% cho 11 nhóm ngành thuộc đối tượng hỗ trợ; thực hiện chương trình cho vay ngắn hạn với doanh nghiệp nhỏ vừa thuộc 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên (doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu; lĩnh vực nông nghiệp & nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) với mức trần lãi suất cho vay không quá 4%/năm.
Giải pháp thứ 2 là triển khai tốt cơ chế chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất của Ngân hàng Trung ương (NHTW), đặc biệt là chính sách lãi suất và tín dụng. Trong đó, NHNN TPHCM đảm bảo thực thi chính sách lãi suất của NHTW để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, cụ thể như việc cơ cấu lại nhóm nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Nhóm giải pháp thứ ba là tăng cường cải cách hành chính, cung ứng dịch vụ ngân hàng để nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.
Về tốc độ tăng trưởng tín dụng của TPHCM 9 tháng đầu năm, ông Lệnh cho biết từ đầu năm cơ chế chính sách được sử dụng đồng bộ nhưng khó khăn về thị trường, khó khăn về doanh nghiệp, khả năng hấp thụ vốn nền kinh tế có tác động trực tiếp đến tăng trưởng tín dụng.
Lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM dự báo những tháng còn lại của năm sẽ có những chuyển biến tích cực hơn, với sự xuất hiện của những điểm sáng về xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, du lịch và dịch vụ…
Ngoài ra, 3 tháng cuối năm sẽ là khoảng thời gian mang tính chất thời vụ và yếu tố thị trường (thời điểm cận Tết cổ truyền âm lịch) và sẽ có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ và du lịch.
Theo ông Lệnh, quá trình này có tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng tín dụng, đặt trong mối liên hệ khi tổng cầu tăng sẽ kích thích tổng cung và tác động hiệu ứng chung đến toàn bộ nền kinh tế. Đây là quy luật và tính thời vụ chắc chắn diễn ra chỉ khác nhau về quy mô và mức độ tùy theo từng năm và từng giai đoạn.
Tổng Hợp
(Dân Trí)