Tổng giám đốc một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản niêm yết trên HOSE cho biết, mặc dù lãi suất giảm, nhưng việc tiếp cận nguồn vốn vay vẫn rất khó khăn, bởi tiêu chuẩn cho vay của các ngân hàng không giảm.
Để nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp nói riêng hấp thụ được nguồn vốn rẻ đòi hỏi phải có tiếng nói chung giữa ngân hàng và doanh nghiệp.
Theo đó, mở rộng lĩnh vực được hưởng lãi suất cho vay ưu đãi, nới lỏng một số điều kiện vay, nhất là tài sản bảo đảm. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước có động thái mạnh mẽ, quyết liệt hơn để thúc đẩy triển khai Thông tư 02/2023/TT-NHNN về gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn, tiếp tục cho vay mới, từ đó tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp.
Có như vậy, nguồn vốn mới thực sự đi vào nền kinh tế và giải quyết được bài toán thiếu vốn, đáp ứng nhu cầu phục hồi và phát triển sản xuất của các doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay.
Trong khi đó, tình hình chung của các doanh nghiệp hiện nay là sau tác động của đại dịch Covid-19 lại bị ảnh hưởng bất lợi của suy thoái kinh tế thế giới dẫn đến việc phải thu hẹp sản xuất, ít các đơn hàng xuất khẩu, người dân thắt chặt chi tiêu, chi phí đầu vào tăng.
Vì thế, doanh nghiệp khó có thể đáp ứng được đầy đủ các điều kiện cho vay của ngân hàng về tài sản bảo đảm, dòng tiền, phương án kinh doanh hiệu quả, có khả năng trả nợ…
“Do vậy, vốn rẻ không không phải là đại trà, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận được”, vị tổng giám đốc doanh nghiệp trên nói.
Thực tế, khả năng tiếp cận vốn hiện nay có phần thuận lợi đối với các doanh nghiệp hoạt động trong nhóm ngành được khuyến khích cho vay như sản xuất nông nghiệp, chế biến hàng xuất khẩu, sản xuất hàng thiết yếu, công nghiệp hỗ trợ… Còn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực rủi ro cao hơn như bất động sản, chứng khoán, hay một số lĩnh vực khác, thì việc tiếp cận vốn giá rẻ gặp nhiều khó khăn.
“Nhiều khi mâu thuẫn ở chỗ, các doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chuẩn để vay lại không có nhu cầu vay, trong khi những doanh nghiệp khát vốn thì chưa đáp ứng được các tiêu chí của ngân hàng”, lãnh đạo một doanh nghiệp khác chia sẻ.
Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Phân tích thị trường, Công ty Chứng khoán BIDV nhận xét, các doanh nghiệp, đặc biệt nhóm bất động sản đang khó tiếp cận vốn tín dụng sau khi cánh cửa trái phiếu doanh nghiệp không còn dễ như trước.
Riêng hoạt động cho vay với doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh không thay đổi. Nhưng trong lĩnh vực sản xuất, tăng trưởng tín dụng thấp chủ yếu do nhu cầu vay vốn giảm trước triển vọng tiêu thụ hàng hóa trên toàn cầu suy yếu.
Từ đầu năm 2023 đến nay, tín dụng tăng trưởng chậm, xuất phát từ cả hai phía. Trong bối cảnh vĩ mô trong và ngoài nước có nhiều khó khăn, môi trường kinh doanh có những yếu tố bất lợi, thì từ phía người cho vay là ngân hàng có sự thận trọng trong việc giải ngân nhằm ngăn ngừa rủi ro nợ xấu. Tương tự, phía người đi vay phục vụ mục tiêu sản xuất – kinh doanh hoặc tiêu dùng cũng hạn chế sử dụng vốn vay, vì triển vọng thu nhập trong tương lai chưa rõ ràng.
Nhìn chung, những khách hàng có lịch sử tín dụng tốt, tài sản đảm bảo chất lượng và phương án kinh doanh/trả nợ khả thi, thì có thể tiếp cận được vốn vay dễ dàng. Nhưng để tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng được khơi thông trở lại thì trước hết cần phải có thời gian để các chính sách hỗ trợ của Chính phủ bắt đầu thẩm thấu vào nền kinh tế, giúp bối cảnh vĩ mô trở nên thuận lợi hơn. Kỳ vọng, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm và môi trường kinh doanh phục hồi rõ nét, giúp các doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan hơn.
Tổng Hợp
(ĐTCK)